Mỹ muốn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Bà Katherine Tai, đại diện thương mại Mỹ cho biết, Mỹ có ý định buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận thương mại giai đoạn một kéo dài hai năm đồng thời tìm ra những điểm yếu trong hoạt động của Bắc Kinh.
Khi thời hạn hai năm cho thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đến gần, mọi con mắt đều đổ dồn về những bước tiếp theo mà hai cường quốc Mỹ , Trung sẽ thực hiện.
Được ký kết vào tháng 1 năm 2020, thỏa thuận thương mại giai đoạn một được coi là thỏa thuận ngừng bắn giữa Trung Quốc và Mỹ sau cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm. Ảnh: AP.
Được ký kết vào tháng 1 năm 2020, thỏa thuận này được coi là thỏa thuận “ngừng bắn” giữa Trung Quốc và Mỹ sau cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm bắt nguồn từ cuộc điều tra Mục 301 của Mỹ vào năm 2018, khi Washington cho rằng Bắc Kinh đã tham gia vào các hành vi thương mại không công bằng như đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) và được chính phủ trợ cấp quá mức cho một loạt các ngành công nghiệp trong nước.
Chính quyền Trump lần đầu tiên áp thuế 25% đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, sau đó mở rộng phạm vi lên 200 tỷ USD. Để trả đũa, Trung Quốc đã áp đặt các mức thuế từ 5 đến 25% đối với các hàng hóa khác nhau của Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và phương tiện đi lại.
Kết quả trực tiếp của thỏa thuận thương mại giai đoạn một là việc hai bên tạm dừng áp đặt nhiều loại thuế quan hơn.
Nhưng không lâu sau khi thỏa thuận được ký kết, đại dịch Covid-19 đã tấn công và định hình lại động lực của nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã tụt hậu trong một số cam kết mà họ đưa ra trong hiệp định, làm dấy lên đồn đoán về căng thẳng thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo tờ Reuters cho hay, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói với các phóng viên hồi đầu tháng rằng chính quyền ông Biden đang “gây sức ép” với Trung Quốc và có ý định buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận thương mại giai đoạn một kéo dài hai năm, đồng thời tìm ra mọi điểm yếu trong hoạt động của Trung Quốc.
Mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ
Bao gồm trong thỏa thuận này là cam kết từ Bắc Kinh sẽ mua, trong vòng hai năm, ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhiều hơn so với năm 2017. Những khoản mua bổ sung đó sẽ bao gồm khoảng 77 tỷ USD sản xuất, 52 tỷ USD năng lượng, 32 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp và 38 tỷ USD dịch vụ như du lịch, dịch vụ tài chính và dịch vụ đám mây.
Theo một báo cáo tháng 10 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tổng lượng mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021 chỉ đạt 62% tổng số cam kết, theo dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc.
Lu Xiang, một học giả Mỹ-Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết: “Đại dịch từ lâu đã khiến Trung Quốc không có đủ khả năng để đạt được mục tiêu thu mua trong vòng hai năm. Đại dịch đã gây nhiễu loạn cả hai phía cung và cầu.”
Cho đến nay, Trung Quốc đã gần đạt được mục tiêu hai năm về thu mua nông sản. Tính đến tháng 9 năm 2021, tổng giá trị mua các sản phẩm nông nghiệp đạt 50,3 tỷ USD, chiếm 76% mục tiêu dựa trên dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi số liệu xuất khẩu của Mỹ đưa ra con số là 82%.
Khối lượng kỷ lục của các chuyến hàng cây trồng và thịt trên khắp Thái Bình Dương đã làm hài lòng nông dân Mỹ, tạo ra lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và nâng cao giá hàng hóa. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết vào tháng 2 rằng ông tin rằng Trung Quốc đang “làm hết trách nhiệm của mình” trong việc mua các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời xem xét những ảnh hưởng đại dịch tác động đến thỏa thuận này.
Nhưng vào tháng 10, Vilsack có quan điểm cứng rắn hơn khi chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn còn thiếu khoảng 5 tỷ USD so với tổng giá trị mua đã thỏa thuận trong thỏa thuận.
Theo số liệu nhập khẩu của Trung Quốc, lượng mua các sản phẩm chế tạo đạt 61% mục tiêu hai năm tính đến tháng 9. Đối với các sản phẩm năng lượng, lượng mua của Trung Quốc chỉ đạt 49% mục tiêu giai đoạn một tính đến tháng 9.
Lu từ CASS nói: “Vấn đề không thể được giải quyết chỉ từ phía Trung Quốc. Hai bên lẽ ra đã có những cuộc trao đổi thường xuyên trong vài tháng qua về chủ đề - làm thế nào để cuối cùng đạt được mục tiêu 200 tỷ USD. Tôi nghĩ từ phía Trung Quốc thì điều đó vẫn có thể đạt được - nếu không thể thực hiện được trong năm nay có thể sang năm và năm sau Trung Quốc có thể thực hiện một số thương mại bù đắp. ”
Các cam kết khác
Các cam kết khác của Trung Quốc trong thỏa thuận bao gồm thực hiện cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính và tiền tệ - tất cả đều nhằm cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn và mở rộng khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc thường yêu cầu các công ty nước ngoài thành lập liên doanh với một đối tác Trung Quốc - khiến các công ty phương Tây thường xuyên phàn nàn rằng điều này dẫn đến hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Họ cũng cho biết họ phải đối mặt với áp lực chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường.
Một báo cáo do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố hồi tháng 4 nói rằng Trung Quốc đã không thực hiện đủ các cải cách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời nêu lên những lo ngại đang nổi lên về các chính sách sở hữu trí tuệ khác.
Trung Quốc vẫn nằm trong “danh sách theo dõi ưu tiên” của USTR, được giám sát chặt chẽ về các vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc cũng đang nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài, bằng cách giảm số lượng các lĩnh vực và ngành bị hạn chế hoặc bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài, được gọi là “danh sách tiêu cực”.
Chính phủ Trung Quốc đã nhắc lại rằng họ sẽ cắt giảm hơn nữa danh sách tiêu cực hạn chế đầu tư nước ngoài; tiếp tục mở cửa các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp cho các nhà đầu tư; và cho phép họ kiểm soát doanh nghiệp của mình trong nhiều lĩnh vực hơn.
Con đường dài phía trước
Các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhà nước - có lẽ là động lực quan trọng nhất đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng vấn đề này đã không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 1.
Bà Katerin Tai nói rằng: “Chúng tôi sẽ thảo luận với Trung Quốc về hiệu suất của Trung Quốc theo thỏa thuận giai đoạn một. Trung Quốc đã đưa ra các cam kết có lợi cho một số ngành công nghiệp của Mỹ, bao gồm cả nông nghiệp, mà chúng tôi phải thực thi ”.
Bà Tai cũng cho biết Mỹ sẽ bắt đầu một “quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu” để cứu trợ các nhà nhập khẩu Mỹ bị ảnh hưởng bất lợi bởi mức thuế vẫn áp dụng đối với gần hai phần ba - tương đương khoảng 335 tỷ USD - hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.
Vào ngày 8 tháng 11, USTR đã gia hạn ngày hết hạn miễn thuế đối với 81 trong số 99 loại thiết bị bảo vệ cá nhân thêm sáu tháng, cho đến tháng 5. Tuy nhiên, việc miễn thuế cho 18 sản phẩm còn lại sẽ hết hạn vào cuối tháng này, bao gồm một số loại khẩu trang, khăn rửa tay và găng tay dùng một lần.
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ và áp lực ngày càng tăng từ các nhóm kinh doanh nhằm giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, bà Tai cho biết vào ngày 10 tháng 11 rằng USTR đang xem mức thuế “Mục 301” đối với hàng hóa Trung Quốc như là một phần của chiến lược nhằm tìm kiếm một vị thế thuận lợi, cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và là cố vấn của Hội đồng Nhà nước cho biết: “Mức thuế cao có thể sẽ tồn tại trong thương mại Trung - Mỹ trong thời gian dài. Nhưng mức thuế có thể thấp hơn trong tương lai so với hiện tại.”
Huy Hoàng (Theo SCMP)