Mỹ phản đối đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với tài sản của các tỉ phú
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ phản đối đề xuất đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với tài sản của các tỉ phú. Brazil, Pháp và một số nước khác ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng sẽ giúp ngăn chặn những người siêu giàu chuyển tài sản đến những nước đánh thuế thấp.
Ngăn chặn giới siêu giàu chuyển tài sản đến thiên đường thuế
Brazil, nước giữ vai trò chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) trong năm nay, kêu gọi nhóm này phát triển một cách tiếp cận phối hợp để đánh thuế những cá nhân siêu giàu có thể chuyển tiền của họ vào các khu vực pháp lý có mức thuế thấp. Mục tiêu cũng tương tự như thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia đã được khoảng 140 quốc gia nhất trí vào năm 2021.
Trong cuộc trao đổi với tờ Wall Street Journal trong tuần qua, Bộ trưởng Janet Yellen nói Mỹ sẽ không ủng hộ các cuộc đàm phán về vấn đề này.
“Chúng tôi ủng hộ đánh thuế cao hơn đối thu nhập của người giàu. Nhưng chúng tôi không ủng hộ ý niệm về một thỏa thuận chung toàn cầu để đánh thuế các tỉ phú để phân phối lại tài sản theo cách nào đó”, bà nói.
Bộ trưởng Janet Yellen đã góp sức thúc đẩy thỏa thuận thuế toàn cầu đối với doanh nghiệp đa quốc gia, trong đó đặt ra mức tối thiểu 15% mà họ nộp ở khu vực pháp lý nơi họ hoạt động. Nhưng do vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa phản nên Quốc hội Mỹ chưa thể phê duyệt thỏa thuận này.
Trước đó, các bộ trưởng của Brazil và Pháp cùng các quan chức của Tây Ban Nha, Đức và Nam Phi đã thảo luận về kế hoạch yêu cầu các tỉ phú phải nộp thuế trị giá ít nhất 2% tổng tài sản của họ mỗi năm.
Họ cho rằng, việc đánh thuế tài sản trên toàn cầu sẽ ngăn cản các tỉ phú chuyển tài sản của họ sang những nước có thể giúp họ tránh các mức thuế cao, hay còn gọi là các thiên đường thuế. Đánh thuế tài sản thay vì thu nhập, sẽ ngăn cản các tỉ phú khai thác các chiến lược đầu tư cho phép họ gia tăng tài sản trong khi tạo ra ít thu nhập chịu thuế. Thuế tài sản áp dụng trên toàn cầu đối với các tỉ phú sẽ cho phép các nước tăng thêm doanh thu thuế để tài trợ cho các ưu tiên khác và sử dụng chính sách thuế để giảm bất bình đẳng về thu nhập, vốn đã tăng mạnh mẽ trong những thập niên gần đây.
“Đây chính xác là những gì chúng ta đã làm với mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp lớn. Việc đánh thuế quốc tế đối với những cá nhân giàu có nhất cũng theo mục đích như vậy”, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire nói tháng trước.
Trong bài phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 hồi tháng 2, nhà kinh tế Gabriel Zucman, giám đốc của tổ chức Giám sát thuế EU chứng minh rằng, thuế toàn cầu hiện nay đối với các tỉ phú là “lũy thoái”. Nghĩa là mức thuế suất thực tế mà họ phải trả thấp hơn, đôi khi thấp hơn nhiều mức thuế mà người nộp thuế trung bình phải trả.
“Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng thuế lũy thoái này là tạo ra một tiêu chuẩn tối thiểu chung thông qua phối hợp quốc tế. Trở ngại chính trong việc đánh thuế những người rất giàu trên thực tế là nguy cơ họ có thể chuyển tài sản đến những nơi có thuế thấp. Nhưng với sự phối hợp quốc tế, mức thuế suất tối thiểu chung có thể được áp dụng cho giới siêu giàu”, ông nói.
Tổ chức của Zucman ước tính, mức thuế 2% hàng năm áp dụng cho tài sản của khoảng 2.750 tỉ phú trên toàn thế giới sẽ tạo ra doanh thu thu thuế 250 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Các tỉ phú cần đóng góp thuế công bằng
Esther Duflo, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel ủng hộ thuế tài sản 2% đối với tỉ phú, cũng như thuế tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp đa quốc gia. Bà cho rằng, tiền thuế thu được từ họ nên sử dụng để hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Những người giàu và các tập đoàn giàu có đang kiếm thu nhập từ việc bán sản phẩm của họ ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ở các nước nghèo. Sản phẩm của họ cũng góp phần rất lớn gây việc biến đổi khí hậu”, bà nói.
Bà xem nghĩa vụ của các quốc gia giàu có trong việc giúp đỡ các nước nghèo quản lý quá trình chuyển đổi khí hậu là một “món nợ đạo đức”. Bà cũng nói rằng việc yêu cầu những người siêu giàu phải trả thuế nhiều hơn là điều công bằng.
Tại một hội nghị của G20 ở Washington hồi thánh trước, Bộ trưởng Tài chính Brazil, Fernando Haddad lập luận, tập trung đánh thuế quốc tế đối với người siêu giàu là điều cần thiết cho công bằng kinh tế.
“Bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc ngày càng trở nên xa vời…Nếu không có sự hợp tác, những người giàu nhất sẽ tiếp tục trốn tránh hệ thống thuế của chúng ta”, ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói: “Đó là vấn đề hiệu quả và công bằng. Mỗi người sẽ phải đóng góp phần thuế công bằng của mình”
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng ủng hộ thiết lập tiêu chuẩn đánh thuế người giàu trên toàn cầu. Bà nói: “Ở hầu hết các nước, người giàu chịu mức thuế suất thấp hơn tầng lớp trung lưu và thậm chí cả người nghèo. Lựa chọn đầu tiên của chúng ta là bịt các lỗ hổng và ngăn chặn hành vi trốn thuế. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các thỏa thuận cho phép chia sẻ thông tin thuế”.
Theo WSJ, Bloomberg, VOA