Mỹ rút hệ thống tên lửa đánh chặn tối tân nhất thế giới ra khỏi Trung Đông
Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn tầm cao THAAD cùng nhiều khẩu đội tên lửa Patriot đã bị Mỹ rút khỏi Saudi Arabia, một trong các đồng minh quan trọng nhất của Washington ở Trung Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Mỹ đã rút hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các khẩu đội tên lửa Patriot khỏi căn cứ không quân Prince Sultan ở ngoại ô thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Căn cứ Prince Sultan cách thủ đô Riyadh 115 km về phía đông nam. Đây là nơi hàng nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân từ sau vụ máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia năm 2019.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thừa nhận "một số khí tài phòng không đã được tái bố trí". Tuy nhiên, ông Kirby khẳng định Mỹ duy trì cam kết "sâu rộng" với các đồng minh Trung Đông. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Saudi cũng thừa nhận Mỹ đã rút một số hệ thống phòng thủ tên lửa.
"Việc tái bố trí một số năng lực phòng thủ của Mỹ khỏi khu vực được tiến hành thông qua hiểu biết chung, và tái triển khai chiến lược quốc phòng", thông báo từ Bộ Quốc phòng Saudi cho biết.
Việc rút tên lửa khỏi Saudi Arabia được đánh giá là do nhu cầu của Washington trong bối cảnh xung đột gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga. Hiện chưa rõ các khí tài vừa rút khỏi Saudi Arabia sẽ được triển khai tới khu vực nào.
THAAD còn gọi là "Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối" do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Khẩu đội THAAD đầu tiên được triển khai hoạt động trong quân đội Mỹ vào năm 2008.
Theo Lockheed Martin, mỗi khẩu đội THAAD gồm 6 xe mang phóng với 8 đạn tên lửa/xe, 2 radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu AN/TPY-2, 2 trung tâm chiến thuật di động. Hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200 -300 km, tầm cao 150 km.
2 radar AN/TPY-2 kết nối với nhau thông qua một trung tâm chỉ huy. Radar đầu tiên sẽ đặt ở vị trí khá xa so với radar còn lại, radar này có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Điểm độc đáo của hệ thống này là ngoài khả năng đánh chặn tầm cao và xa, nó còn có cơ chế đánh chặn có một không hai hiện nay trên thế giới, đó chính là phương thức "hit to kill" tức là truy đuổi và tiêu diệt.
Theo đó, đạn tên lửa tiêu diệt mục tiêu không sử dụng đầu nổ như các hệ thống phòng không khác trên thế giới. Bình thường các loại đạn của hệ thống phòng không sẽ sử dụng đầu đạn nổ phá mảnh để tạo ra đám mây mảnh văng hòng tiêu diệt mục tiêu, đạn của hệ thống THAAD sẽ truy đuổi mục tiêu và dùng chính động năng va chạm của đạn tên lửa để tiêu diệt.
Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo cho thấy độ siêu chính xác của hệ thống này. Ngoài ra việc sử dụng động năng còn giúp giảm kích cỡ và trọng lượng của đạn tên lửa đi rất nhiều, điều này giúp hệ thống mang phóng mang được nhiều đạn hơn và dễ cơ động hơn so với các hệ thống đánh chặn sử dụng đầu đạn phá mảnh để tiêu diệt mục tiêu.