Mỹ rút khỏi đàm phán tiến trình khử carbon trong ngành vận tải biển
Washington cảnh báo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp đối ứng nếu tàu Mỹ bị áp phí liên quan đến phát thải khí nhà kính (GHG), vốn được cho là nguyên nhân gây Biến đổi Khí hậu.

(Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)
Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán đang diễn ra tại London (Anh) về tiến trình khử carbon trong ngành vận tải biển quốc tế.
Trong một công hàm ngoại giao gửi đến các đại sứ quán, Washington cảnh báo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp đối ứng nếu tàu Mỹ bị áp phí liên quan đến phát thải khí nhà kính (GHG), vốn được cho là nguyên nhân gây Biến đổi Khí hậu.
Từ ngày 7-11/4, đại biểu của nhiều quốc gia nhóm họp tại trụ sở Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, nhằm thảo luận các giải pháp giảm phát thải cho ngành hàng hải, hướng tới mục tiêu đưa ngành này đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050.
Theo một đề xuất do nhóm các nước trong đó có Liên minh châu Âu đưa ra ban đầu và đã được gửi tới IMO, cần thiết lập mức thuế carbon toàn cầu đầu tiên đối với ngành hàng hải, qua đó kiểm soát lượng khí thải gây Biến đổi Khí hậu.
Tuy nhiên, trong công hàm, Mỹ đã bác bỏ việc áp dụng biện pháp kinh tế với tàu Mỹ dựa trên lượng phát thải khí nhà kính hoặc loại nhiên liệu sử dụng.
Hiện chưa rõ bao nhiêu trong tổng số 176 quốc gia thành viên của IMO đã nhận được thông báo chính thức từ Washington.
Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu các khoản phí khí thải được áp dụng đối với tàu mang cờ Mỹ, chính phủ nước này sẽ xem xét các biện pháp đối ứng nhằm bù đắp thiệt hại kinh tế có thể ảnh hưởng đến người dân Mỹ.
Ngoài ra, Washington cũng phản đối mọi đề xuất sử dụng nguồn thu từ phí phát thải để tài trợ cho các dự án môi trường không liên quan trực tiếp đến ngành vận tải biển.
Khi được truyền thông liên hệ vào tối 8/4, các quan chức Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận. Về phía IMO, một người phát ngôn xác nhận rằng tổ chức này chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía Mỹ tính đến sáng 9/4 (giờ địa phương).
Ngành vận tải biển, hiện chiếm tới 90% khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn cầu và chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO₂ toàn cầu. Ngành này đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các tổ chức môi trường và giới đầu tư yêu cầu hành động mạnh mẽ hơn để giảm khí thải, trong đó có biện pháp đánh thuế carbon như một công cụ điều tiết thiết thực và hiệu quả./.