Tổng thống Zelensky nêu giải pháp thay thế cho vấn đề Ukraine gia nhập NATO
Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất giải pháp thay thế cho quá trình gia nhập NATO, bao gồm yêu cầu vũ khí hạt nhân và phát triển quân đội một triệu người để bảo vệ nước này.
Theo hãng thông tấn độc lập UNIAN (Ukraine) ngày 5/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa cho biết, nếu quá trình gia nhập NATO của Kiev mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ, nước này sẽ cần vũ khí hạt nhân và vũ khí đủ mạnh để tự vệ.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Nếu quá trình này kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ, không phải vì chúng tôi mà vì các đối tác của chúng tôi, thì chúng tôi có một câu hỏi hoàn toàn chính đáng: điều gì sẽ bảo vệ chúng tôi trong suốt thời gian đó?". Ông Zelensky cũng nhấn mạnh việc gia nhập NATO "không phải là chuyện của hôm nay mà là của tương lai" và "thật không may, quyết định đó không phải do chúng tôi đưa ra".
Khi được hỏi về "Kế hoạch B" tiềm năng của Ukraine - một khuôn khổ an ninh đủ mạnh để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng khác từ bên ngoài, Tổng thống Zelensky đã đề xuất một loạt giải pháp thay thế. Thứ nhất, ông đề cập đến khả năng tiếp cận vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe: "Hãy trả lại vũ khí hạt nhân cho chúng tôi. Trả lại cho chúng tôi hệ thống tên lửa". Tuy nhiên, ông Zelensky cũng thừa nhận không chắc chắn về tính khả thi của phương án này.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề xuất một kế hoạch toàn diện hơn, bao gồm việc xây dựng một đội quân một triệu người và yêu cầu sự hiện diện quân sự của các đối tác tại những khu vực cần ổn định. "Hãy giúp chúng tôi tài trợ cho đội quân 1 triệu người và triển khai quân của các đối tác đến những nơi trong lãnh thổ của chúng tôi, nơi chúng tôi muốn tình hình ổn định để mọi người có thể yên bình", ông Zelensky nói.
Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh có những bất ổn về cam kết viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ. Theo các báo cáo, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã tuyên bố có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến, có thể cân nhắc một thỏa thuận hòa bình nhưng nguy cơ làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và ngừng viện trợ của Mỹ cho nước này.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng mặc dù Ukraine hiện không phải là thành viên NATO, nhưng quân đội Nga vẫn đang hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Điều này, theo ông, càng làm rõ nhu cầu cấp thiết về các biện pháp bảo đảm an ninh thực chất cho Ukraine, dù là thông qua việc gia nhập NATO hay các giải pháp thay thế khác.
Phát biểu của Tổng thống Ukraine phản ánh thực tế phức tạp mà nước này đang phải đối mặt: một bên là khát vọng gia nhập NATO nhưng có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, một bên là nhu cầu cấp bách về các biện pháp bảo đảm an ninh.
Cùng ngày, theo hãng thông tấn TASS (Nga), Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết trong tương lai gần. "Tôi nghĩ chúng tôi cũng đang giải quyết rất thành công với Nga và Ukraine. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này vào một thời điểm nào đó trong tương lai không xa. Đó cũng là một vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề", ông Trump nói, không đưa ra thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.
Kiev đã nhiều lần tuyên bố mong muốn trở thành một quốc gia thành viên NATO chính thức. Tháng 9/2022, Ukraine đã chính thức yêu cầu gia nhập nhanh chóng vào liên minh quân sự này. Vào ngày 16/1 vừa qua, Tổng thống Zelensky phàn nàn rằng Hungary, Đức, Slovakia và Mỹ hiện đang phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Bản ghi nhớ Budapest được các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Vương quốc Anh và Mỹ ký kết vào ngày 5/12/1994. Theo bản ghi nhớ này, Ukraine đã giải thể kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi Nga, Mỹ và Vương quốc Anh đưa ra các bảo đảm an ninh cho Kiev, sau đó có thêm Pháp và Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2022, Tổng thống Zelensky cho biết rằng Kiev có thể xem xét lại các nghĩa vụ của mình theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó quy định rằng Ukraine từ chối vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự xuất hiện của ngay cả vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine cũng sẽ gây ra mối đe dọa chiến lược cho Nga.
Vào ngày 14/6 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine, bao gồm việc Ukraine rút quân khỏi Donbass và Novorossia và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Ngoài ra, Moskva nhấn mạnh rằng tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây phải được dỡ bỏ và tình trạng phi khối và phi hạt nhân của Ukraine phải được đảm bảo.