Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris: Bước lùi đáng tiếc
Ngay trong những giờ đầu tiên quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đối với Mỹ, quyết định này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đô la, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ tạo ra làn sóng lo ngại toàn cầu về tương lai phát triển bền vững, đặc biệt khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường.
“Đặt nước Mỹ trên hết” trong các thỏa thuận môi trường
Đây là lần thứ hai Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu được các quốc gia là Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thông qua năm 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp.
Sắc lệnh hành pháp về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris, được Tổng thống Donald Trump ký ngay sau khi ông nhậm chức vào hôm 20.1, mang tên “Đặt nước Mỹ trước tiên trong các Thỏa thuận môi trường quốc tế”, bắt đầu quá trình rút khỏi bất kỳ thỏa thuận, hiệp ước, hiệp định hoặc cam kết tương tự nào được thực hiện theo UNFCCC. Việc rút khỏi thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày thông báo. Tuy nhiên, Tổng thống Trump chưa tuyên bố rút khỏi hiệp ước UNFCCC cơ bản, được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào những năm 1990 và là khuôn khổ để đàm phán và ký kết Thỏa thuận Paris.
Ngoài việc bắt đầu quá trình rút khỏi Thỏa thuận Paris, Sắc lệnh Hành pháp "Đặt nước Mỹ lên hàng đầu trong các Thỏa thuận môi trường quốc tế" sẽ hạn chế các khoản đóng góp tài chính của Mỹ, cho các quốc gia khác nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ ngay lập tức chấm dứt hoặc hủy bỏ bất kỳ cam kết tài chính nào được cho là do quốc gia này đưa ra theo Công ước Khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu. Tổng thống Trump cũng hủy bỏ Kế hoạch Tài chính Khí hậu quốc tế, được thành lập sau Sắc lệnh Hành pháp của cựu Tổng thống Joe Biden nhằm định hướng các thể chế đa phương và song phương để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.
Theo Reuters, động thái này đưa Mỹ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia Thỏa thuận Paris. Điều này phù hợp với chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ông, nhằm giải phóng các công ty khoan dầu khí của Mỹ khỏi các quy định, để họ có thể tối đa hóa sản lượng. Giải thích về quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, ông Trump cho rằng: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ không hiệu quả trừ khi tất cả các nước cùng thực hiện. Ngoài ra, việc rút khỏi thỏa thuận không ràng buộc này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được hơn một nghìn tỷ USD”.
Đe dọa mục tiêu khí hậu toàn cầu
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, việc Mỹ rút khỏi các cam kết về biến đổi khí hậu có thể khiến thế giới ngày càng xa mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C.
Theo các nhà khoa học của dự án carbon toàn cầu, Mỹ đã thải 4,9 tỷ tấn CO2 vào không khí năm 2023, giảm 11% so với một thập kỷ trước. Do tính chất tồn tại trong khí quyển nhiều thế kỷ của CO, Mỹ được cho là đã thải nhiều khí nhà kính hơn bất kỳ quốc gia nào và chịu trách nhiệm cho gần 22% lượng CO2 thải vào khí quyển kể từ năm 1950. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn khi Mỹ tiếp tục rút lui khỏi các nỗ lực khí hậu.
Quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh hiện tượng này đang ngày một cực đoan hơn. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận, năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương năm 2024 đã tăng đến mức kỷ lục, đi kèm với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh kế của hàng triệu người trên thế giới.
Báo cáo của tổ chức nhân đạo Christian Aid cho biết, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu chính trên toàn cầu đã vượt qua con số 230 tỷ USD. Thêm vào đó, vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại Los Angeles thuộc bang California, càng nêu bật mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, việc hủy bỏ kế hoạch cắt giảm khí thải quốc gia của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của nhiều nước. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đang phải đối mặt với thách thức kép, một mặt họ phải đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng tăng từ các dự án năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu; mặt khác việc Mỹ rút lui có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính xanh toàn cầu.
Làm trầm trọng khoảng cách tài trợ khí hậu
Với việc Tổng thống Trump tuyên bố ngừng ngay lập tức mọi khoản tài trợ mà Mỹ đã cam kết trong các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ trước đó, đẩy các nước đang phát triển vào tình thế khó khăn. Theo Reuters, các quốc gia này cần hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu khí hậu và bảo vệ người dân khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Việc loại bỏ nguồn tài trợ sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính, gây suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi trước biến đổi khí hậu của các quốc gia, từ đó làm mất sự ổn định về kinh tế, an ninh lương thực và có khả năng làm tăng bất ổn về chính trị ở nhiều nước. Mỹ cũng đang chịu trách nhiệm tài trợ khoảng 21% ngân sách cốt lõi cho ban thư ký khí hậu của LHQ. Việc cắt giảm này sẽ cản trở hoạt động điều hành các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của thế giới hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại những tác động lan tỏa tiềm tàng về tài trợ khí hậu, làm trầm trọng thêm khoảng cách vốn đã rộng hơn trong tài trợ khí hậu; ông Harjeet Singh - Giám đốc sáng lập của Quỹ Khí hậu Satat Sampada nhấn mạnh rằng, nếu không có sự đóng góp công bằng từ Mỹ, các nguồn lực tài chính cần thiết để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương xây dựng khả năng phục hồi và giải quyết các tác động của khí hậu sẽ không đủ. Ông nhấn mạnh, điều này sẽ làm sâu sắc thêm “bất công toàn cầu về khí hậu”.
Các quốc gia ven biển trũng thấp và các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như Campuchia, Pakistan và Nigeria sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nữa do sự rút lui của Mỹ. Những quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào tài chính và công nghệ khí hậu quốc tế để thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với tác động của khí hậu và đối phó với chi phí ngày càng tăng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.
Lo ngại hiệu ứng dây chuyền
Các chuyên gia nhận định, tác động “domino” tới các chính sách khí hậu toàn cầu là không thể tránh khỏi. Hành động từ bỏ nỗ lực chống biến đổi khí hậu lần này có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn vì có nguy cơ biến thành xu thế toàn cầu. Các quốc gia khác có thể theo chân Mỹ hoặc lấy cớ để nới lỏng các nỗ lực nhằm hạn chế lượng phát thải carbon. Chẳng hạn như Italy và Argentina, mặc dù chưa công khai; một số nước đang phát triển cũng không muốn thực hiện cam kết khi những yêu cầu họ nêu lên không được thế giới quan tâm.
Hiện nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi: liệu Mỹ có thể tái gia nhập Thỏa thuận Paris không? Câu trả lời đương nhiên là có; ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu cho hay: “Chúng ta đã từng ở trong tình huống này trước đây và vì vậy, cánh cửa vẫn mở”.Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào những gì chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm tiếp theo.
Quyết định của ông Trump khiến cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có những điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ hơn, đồng thời nâng cao vai trò của các tổ chức trong việc thúc đẩy các sáng kiến khí hậu và duy trì cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.