Mỹ rút khỏi WHO: Bước lùi đối với sứ mệnh nhân đạo
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu gây sức ép lên Washington để thay đổi quyết định của Tổng thống Donald Trump muốn rút khỏi tổ chức này; đồng thời cảnh báo, nếu từ bỏ tư cách thành viên, Hoa Kỳ sẽ bỏ lỡ thông tin quan trọng về các đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu, gây hại cho người dân Mỹ.
Thiệt hại nghiêm trọng đối với các chương trình y tế
Phát biểu tại một cuộc họp bàn về tác động việc Mỹ rút lui, các nước gây sức ép với lãnh đạo WHO về việc cơ quan này phải đưa ra các phương án đối phó với sự rút lui của Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất, theo tài liệu cuộc họp nội bộ mà The Associated Press có được. Phái viên của Đức, Bjorn Kummel, đã cảnh báo: "Nhà đang cháy, và chúng ta cần phải dập tắt đám cháy càng sớm càng tốt", ám chỉ tình trạng cấp bách đối với tài chính của tổ chức.
Trong giai đoạn 2024-2025, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với số tiền ước tính là 988 triệu USD, chiếm khoảng 14% trong tổng ngân sách 6,9 tỷ USD của WHO.
Một tài liệu ngân sách trình bày tại cuộc họp cho thấy chương trình y tế khẩn cấp của WHO "phụ thuộc nhiều" vào tiền mặt của Mỹ. Tài liệu cho biết nguồn tài trợ của Hoa Kỳ "cung cấp xương sống cho nhiều hoạt động khẩn cấp quy mô lớn của WHO", bao phủ tới 40%. Điều này đồng nghĩa với việc các phản ứng ở Trung Đông, Ukraine và Sudan đang gặp rủi ro, ngoài ra còn có hàng trăm triệu USD sẽ bị rút lui do Mỹ sẽ xóa sổ các chương trình viện trợ chống lại bệnh bại liệt và HIV.
Tài liệu cho biết Hoa Kỳ cũng chịu trách nhiệm 95% công tác phòng chống lao của WHO tại Châu Âu và hơn 60% nỗ lực phòng chống lao ở Châu Phi, Tây Thái Bình Dương và tại trụ sở chính của cơ quan này ở Geneva.
Giám đốc tài chính của WHO George Kyriacou cho biết nếu cơ quan này chi tiêu ở mức hiện tại, tổ chức này sẽ "rất khó khăn lớn về tài chính" trong nửa đầu năm 2026. Ông Kyriacou cho biết kể từ khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về việc rút khỏi WHO, tổ chức này đã cố gắng rút tiền từ Hoa Kỳ để chi trả cho các chi phí trước đây, nhưng hầu hết số tiền đó "đều không được chấp nhận". Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ cũng vẫn chưa thanh toán các khoản đóng góp còn nợ cho WHO vào năm 2024, khiến cơ quan này rơi vào tình trạng thâm hụt.
Ban điều hành của WHO, bao gồm 34 đặc phái viên cấp cao, trong đó có nhiều bộ trưởng y tế quốc gia, dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề ngân sách trong phiên họp mới nhất, khai mạc vào 3.2 và kéo dài đến ngày 11.2.
Đưa nước Mỹ trở lại
Tuần trước, các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã được chỉ thị ngừng làm việc với WHO ngay lập tức.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu với những người tham dự cuộc họp ngân sách rằng cơ quan này vẫn đang cung cấp cho các nhà khoa học Hoa Kỳ một số dữ liệu về dịch bệnh thế giới.
"Chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin cho họ vì họ cần thông tin đó", ông Tedros nói, đồng thời kêu gọi các nước thành viên liên hệ với các quan chức Hoa Kỳ. "Chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu các bạn tiếp tục thúc đẩy và liên hệ với họ để xem xét lại quyết định của mình".
Trong số các cuộc khủng hoảng y tế khác, WHO hiện đang nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của virus Marburg ở Tanzania, Ebola ở Uganda và mpox ở Congo.
Ông Tedros cũng bác bỏ 3 lý do được Trump nêu ra để rời khỏi cơ quan này trong sắc lệnh hành pháp được ký vào ngày 20.1 - ngày đầu tiên ông trở lại nhiệm sở. Trong sắc lệnh, Tổng thống Mỹ cho biết WHO đã xử lý sai trong đại dịch Covid-19; không thúc đẩy các cải cách cần thiết và các nước thành viên chịu trách nhiệm về nghĩa vụ hành chính không công bằng, ám chỉ các quốc gia như Trung Quốc, hiện đã trở thành nền kinh tế số hai thế giới nhưng lại đóng góp hạn chế.
Ông Tedros cũng cho biết ông tin rằng việc Hoa Kỳ rút lui "không phải vấn đề tài chính" mà là vấn đề "khoảng trống" trong thông tin chi tiết về các dịch bệnh và các thông tin y tế quan trọng khác mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt trong tương lai.
"Việc đưa Hoa Kỳ trở lại sẽ rất quan trọng", ông nói với những người tham dự cuộc họp. "Và về vấn đề đó, tôi nghĩ tất cả các bạn đều có thể đóng vai trò thuyết phục nước Mỹ".
Ông Kummel, cố vấn cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Bộ Y tế Đức, mô tả việc Hoa Kỳ rút khỏi tổ chức này là “cuộc khủng hoảng lớn nhất mà WHO phải đối mặt trong những thập kỷ qua”. Ông cũng đặt câu hỏi: “Liệu những chức năng nào của WHO sẽ không thể duy trì nếu không còn nguồn tài trợ từ Hoa Kỳ?”
Các quan chức từ các quốc gia bao gồm Bangladesh và Pháp đã hỏi WHO có kế hoạch cụ thể nào để giải quyết tình trạng mất nguồn tài trợ từ Hoa Kỳ và tự hỏi những chương trình y tế nào sẽ bị cắt giảm do hậu quả này.
Theo một tài liệu được chia sẻ giữa một số nhà quản lý cấp cao của WHO mà AP có được, trong đó nêu ra một số phương án, bao gồm đề xuất rằng mỗi phòng ban hoặc văn phòng chính có thể bị cắt giảm một nửa vào cuối năm.
Tư cách thành viên giúp Mỹ được nhiều hơn mất
Các chuyên gia cho rằng mặc dù sự ra đi của Hoa Kỳ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn đối với WHO nhưng đây cũng có thể là cơ hội để định hình lại hệ thống y tế cộng đồng toàn cầu.
Ông Matthew Kavanagh, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chính trị y tế toàn cầu của Đại học Georgetown, cho biết, chưa đến 1% ngân sách y tế của Hoa Kỳ được chuyển cho WHO. Trong khi đó, nước này nhận được "nhiều lợi ích y tế thực sự có ý nghĩa đối với người Mỹ, bao gồm thông tin tình báo về các đợt dịch bệnh trên toàn cầu và các mẫu virus để sản xuất vaccine.
Trong khi đó, Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận khẩn cấp của WHO, cho biết tại cuộc họp về tác động của việc Hoa Kỳ rút khỏi WHO là vô cùng "khủng khiếp", nhưng các quốc gia thành viên có "năng lực to lớn để lấp đầy khoảng trống đó".
Ông Kavanagh cho rằng, việc không ở trong tổ chức sẽ khiến Hoa Kỳ sẽ không thể được cập nhật thông tin chi tiết về các mối đe dọa sức khỏe mới nổi trên toàn cầu của WHO và việc Hoa Kỳ rời khỏi cơ quan này "chắc chắn sẽ khiến người dân Mỹ có thể đối mặt với những nguy cơ y tế tồi tệ hơn”.