Mỹ rút lui, châu Phi 'mở cửa' cho ảnh hưởng ngoại giao mới?

Việc Mỹ cắt giảm hiện diện ngoại giao tại châu Phi đang mở đường cho Trung Quốc, Nga và các cường quốc mới nổi tăng ảnh hưởng chiến lược tại lục địa giàu tài nguyên này.

Binh sĩ Mỹ rút khỏi căn cứ ở Niger. Ảnh: afrinz.ru/TTXVN

Binh sĩ Mỹ rút khỏi căn cứ ở Niger. Ảnh: afrinz.ru/TTXVN

Theo Đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức), Tổng thống Donald Trump đang tìm cách cắt giảm chi phí thông qua thu hẹp sự hiện diện ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới. Dựa trên kế hoạch của chính quyền Trump, gần 30 đại sứ quán và lãnh sự quán trên toàn thế giới sẽ bị đóng cửa, nhiều trong số đó ở châu Phi.

Động thái này, dù bị bác bỏ bởi một số quan chức, đã dấy lên lo ngại về sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa trên, mở đường cho các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Alex Vines, người đứng đầu chương trình châu Phi tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, việc bổ nhiệm đại sứ không phải là ưu tiên của chính quyền Trump. Nhiều vị trí đại sứ quan trọng tại châu Phi, bao gồm cả các quốc gia lớn như Nigeria, Kenya, Ai Cập và Ethiopia, bị bỏ trống hoặc chỉ được bổ nhiệm tạm quyền.

Dự thảo sắc lệnh hành pháp còn đề cập đến việc đóng cửa các đại sứ quán tại Lesotho, Eritrea, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Gambia và Nam Sudan, cùng với các lãnh sự quán tại Douala (Cameroon) và Durban (Nam Phi). Steven Gruzd, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, nhận định rằng việc bổ nhiệm các đại sứ gây tranh cãi, như Leo Brent Bozell III tại Nam Phi, đã làm xấu đi quan hệ song phương.

Việc cắt giảm viện trợ tài chính cho Nam Phi, ảnh hưởng đến các dự án chống HIV/AIDS, cũng được xem là dấu hiệu cho thấy sự thờ ơ của chính quyền Trump đối với châu Phi. "Châu Phi không được đề cập nhiều trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Ông ấy đã phớt lờ châu lục này", chuyên gia Gruzd nhận định.

Về phần mình, Christopher Isike, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Phi tại Đại học Pretoria, cho rằng chính quyền Trump ưa chuộng "tư duy song phương", tức là tập trung vào quan hệ trực tiếp với từng quốc gia thay vì các cơ chế đa phương. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ không gia hạn Hiệp định Thương mại với các quốc gia châu Phi (AGOA) vào năm 2025.

Nhà nghiên cứu Isike cũng cho rằng Mỹ sẽ duy trì quan hệ với các quốc gia châu Phi có nguồn khoáng sản quan trọng, như Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria, để cạnh tranh với Trung Quốc. Các quốc gia này có thể trở thành "trung tâm khu vực" cho các hoạt động ngoại giao của Mỹ.

Lý do là các quốc gia này có khoáng sản có thể hữu ích cho nền kinh tế Mỹ. Điều này rất quan trọng ngay bây giờ "vì Trung Quốc đang chặn quyền tiếp cận một số khoáng sản quan trọng mà họ cung cấp cho Mỹ", chuyên gia Isike nói thêm.

"Cuộc đua" ảnh hưởng tại châu Phi

Việc Mỹ rút lui khỏi châu Phi tạo ra "khoảng trống" cho các cường quốc khác. Trung Quốc, với chiến lược "Vành đai và Con đường", đang tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại lục địa này. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng quan hệ với các nước châu Phi.

Chuyên gia Vines nhận định: "Việc Mỹ giảm sự hiện diện thực sự sẽ là động lực để... các bên khác xem xét cách họ có thể tăng cường quan hệ ngoại giao với châu Phi". Điều này có thể dẫn đến một "cuộc đua" ảnh hưởng mới tại châu Phi, nơi các cường quốc cạnh tranh để giành lấy các nguồn tài nguyên, thị trường và đối tác chiến lược.

Việc thu hẹp sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại châu Phi có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Nó có thể làm suy yếu vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các thách thức an ninh, phát triển và nhân đạo tại lục địa này. Đồng thời, nó cũng có thể tạo điều kiện cho các cường quốc khác gia tăng ảnh hưởng, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-rut-lui-chau-phi-mo-cua-cho-anh-huong-ngoai-giao-moi-20250502213648306.htm