Mỹ sẽ can thiệp vào giá dầu?
Các nguồn tin tại OPEC+ tiết lộ Mỹ thừa sức tự tăng sản lượng dầu nếu tin rằng kinh tế thế giới cần nhiều năng lượng hơn
Giá dầu tăng lên trong ngày 5-11, cụ thể theo Reuters, giá dầu thô Brent có thời điểm đạt 81,07 USD/thùng, còn giá dầu ở Mỹ đạt 79,77 USD/thùng, sau khi giảm lần lượt gần 2% và 2,5% một ngày trước đó.
Diễn biến này xảy ra sau cuộc họp ngày 4-11 (giờ địa phương) của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+. Bất chấp lời kêu gọi tăng gấp đôi sản lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, OPEC+ duy trì kế hoạch tăng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Trong một năm qua, giá dầu tăng dần từ 50 USD/thùng lên hơn 80 USD/thùng hiện nay. Theo hãng tin Bloomberg, đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo mức giá 100 USD/thùng là khả năng không xa, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước khác đồng loạt gây sức ép ngoại giao mạnh nhất nhiều năm qua lên OPEC+ với kêu gọi tăng sản lượng để hỗ trợ phục hồi kinh tệ hậu đại dịch Covid-19.
Lý do OPEC+ quyết không tăng sản lượng, như tuyên bố của họ, là nhu cầu dầu vẫn bị dịch Covid-19 kìm hãm. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman hôm 4-11 cho biết thế giới sẽ dự trữ lượng dầu "khổng lồ" vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do tiêu thụ chậm.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định OPEC+ đã cung cấp thêm2 triệu thùng/ngày cho thị trường kể từ tháng 8 vừa qua và "nhu cầu tiêu thụ dầu ở Liên minh châu Âu đã bắt đầu giảm trong tháng 10".
Phần nào chứng minh cho lập luận của OPEC+, theo trang Market Watch, giá dầu tuy có biến động sau cuộc họp trên song cuối cùng đã chốt lại ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10.
Bà Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch tại Công ty Wood Mackenzie (Anh), nhận xét sản lượng của OPEC đã tăng mạnh trong năm nay, từ trung bình 25 triệu thùng/ngày trong quý I lên 27 triệu thùng/ngày trong quý III.
"Rõ ràng thế giới đã có đủ dầu cho mùa đông này và giá dầu sẽ giảm dần" - bà Hittle nói với Market Watch. Ngoài nguyên nhân trên, Công ty S&P Global Platts (Anh) cho biết ngoài Ả Rập Saudi, Nga, Iraq..., nhiều nước trong OPEC+ bị ảnh hưởng sản xuất do hạ tầng hư hại.
Dù giá dầu được dự đoán là khó tăng cao hơn nữa, song với việc giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã mấp mé 4 USD/gallon, Nhà Trắng hôm 4-11 tuyên bố sẽ cân nhắc "tất cả công cụ" để ổn định thị trường. Ông Bob McNally, Chủ tịch Công ty Tư vấn Rapidan Energy (Mỹ), suy đoán "khả năng khả dĩ nhất" là mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược Mỹ - hiện chứa hơn 612 triệu thùng.
Một khả năng khác được nhắc đến là các công ty dầu của Mỹ, cùng những nhà sản xuất ngoài OPEC khác, tận dụng cơ hội để giành thị phần. Theo Market Watch, sản lượng tại 48 bang của Mỹ hiện ở mức 1,5 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức đỉnh trước đại dịch.
Các nguồn tin của Reuters tại OPEC+ tiết lộ Mỹ thừa sức tự tăng sản lượng nếu tin rằng kinh tế thế giới cần nhiều năng lượng hơn. Và nếu cảm nhận thấy "nguy cơ trước mắt", nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ có thể sẽ quay lại đường đua?
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-se-can-thiep-vao-gia-dau-20211106212901289.htm