Mỹ sẽ đánh giá các yêu cầu của Nga cho lệnh ngừng bắn Biển Đen
Mỹ sẽ đánh giá các yêu cầu Nga đưa ra sau khi Moscow đồng ý 'về nguyên tắc' với lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian với Ukraine ở Biển Đen để cho phép các hoạt động hàng hải diễn ra an toàn, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho hay hôm 26/3.
Mỹ đã công bố các thỏa thuận Biển Đen riêng với Ukraine và Nga vào 25/3, sau các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia để đảm bảo hàng hải an toàn, ngăn chặn các cuộc tấn công và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy chấm dứt xung đột trong bối cảnh Washington nhanh chóng xích lại gần Moscow - động thái khiến Kiev và các đồng minh châu Âu lo ngại.

Ảnh minh họa: Reuters
"Sau cuộc họp của chúng tôi ở Saudi Arabia, Nga đã nêu chi tiết một số điều kiện họ muốn được đáp ứng để thực hiện điều đó, vì vậy chúng tôi sẽ đánh giá việc này", ông Rubio nói với các phóng viên vào 26/3 trong chuyến thăm Jamaica.
Ông cho biết, các quan chức Mỹ sẽ làm việc để "hiểu đầy đủ hơn về lập trường của Nga, hoặc những gì họ yêu cầu để đổi lại và sau đó chúng tôi sẽ trình bày điều đó với Tổng thống Trump", đồng thời đưa ra quyết định về bước tiếp theo.
Các yêu cầu của Nga là điều ai cũng biết. Các điều kiện được nêu trong tuyên bố của Điện Kremlin hôm 25/3, bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế và lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng nông nghiệp lớn, các nhà xuất khẩu thực phẩm và phân bón, cũng như đối với các tàu thuyền của Nga. Đây chủ yếu là các yêu cầu mà Moscow đưa ra cách đây hai năm trong các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận Biển Đen lần đầu tiên được nhất trí vào tháng 7/2022.
Thỏa thuận năm 2022 được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen một cách an toàn. Theo một hiệp ước 3 năm đi kèm, Liên Hợp Quốc đã đồng ý hỗ trợ xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Nga đã rút khỏi thỏa thuận Biển Đen vào tháng 7/2023, phàn nàn rằng các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này chưa được đáp ứng. Các quan chức Liên Hợp Quốc đã tiếp tục làm việc với Nga để cố gắng giải quyết các mối quan ngại về xuất khẩu của nước này.
Trong một lá thư gửi Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2023, Nga cho biết họ muốn Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) kết nối lại với hệ thống thanh toán SWIFT. Ngân hàng này đã bị Liên minh châu Âu cắt khỏi SWIFT vào tháng 6/2022.
Nga cũng cho biết họ muốn nối lại nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp và phụ tùng cho Nga; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và quyền tiếp cận cảng đối với tàu và hàng hóa của Nga; đồng thời mở khóa các tài khoản và hoạt động tài chính của các công ty phân bón Nga.
Trong khi xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow nói rằng các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã trở thành rào cản đối với các lô hàng.
Ông Rubio lưu ý vào 26/3 rằng các yêu cầu của Nga liên quan đến việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của EU. Ủy ban châu Âu cho biết, việc rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi Ukraine sẽ là một trong những điều kiện chính để dỡ bỏ hoặc sửa đổi các lệnh trừng phạt.
Sau khi các quan chức Mỹ và Nga gặp nhau tại Saudi Arabia, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố vào 25/3 rằng như một phần của thỏa thuận ngừng bắn, họ đã đồng ý "giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tăng cường quyền tiếp cận các cảng và hệ thống thanh toán cho các giao dịch như vậy".