Mỹ Tân mùa Xuân về

BHG - Mỗi độ Xuân về, làng quê Mỹ Tân, xã Tân Quang (Bắc Quang) lại khoác lên mình diện mạo tươi mới, tràn đầy nhựa sống; trở thành minh chứng quan trọng cho tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của người dân nơi đây trên hành trình bứt phá, đưa Mỹ Tân trở thành điển hình “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”.

Cuộc “cách mạng” về cây trồng

Năm 2005 ghi dấu bước ngoặt quan trọng của thôn Mỹ Tân khi dần chuyển đổi từ sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hoa, cây cảnh. Sau 16 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Mỹ Tân chính thức trở thành Làng nghề sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh (năm 2021), tạo nên diện mạo mới nơi làng quê.

Sản xuất Đào cảnh mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm cho người dân thôn Mỹ Tân.

Sản xuất Đào cảnh mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm cho người dân thôn Mỹ Tân.

Mỹ Tân là 1 trong 5 thôn ở khu vực phía Đông của xã Tân Quang, tiếp giáp sông Lô, hàng năm được bồi đắp bởi lượng phù sa mầu mỡ, phì nhiêu. Toàn thôn hiện có 70 hộ, chủ yếu là người dân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình lên khai hoang, làm kinh tế mới từ năm 1960. Ban đầu, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy như cấy lúa, trồng mía, rau đậu, cây lâm nghiệp. Đến năm 1980, chuyển dần sang trồng cây ăn quả có múi (cam Sành) mang lại hiệu quả kinh tế không hề nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên canh tác, cây cam Sành già cỗi, năng suất thấp, buộc người dân phải tìm hướng phát triển mới.

Trưởng thôn Mỹ Tân Trần Văn Giang cho biết: Năm 2005, nhận thấy một số loại hoa, cây cảnh tại địa phương như cây xanh, hoa Hải đường sau khi đem bán có giá trị kinh tế, người dân trong thôn một lần nữa chuyển đổi từ trồng cam Sành sang trồng hoa, cây cảnh. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn mạnh dạn nhập thêm hoa, cây cảnh từ các tỉnh miền xuôi để làm phong phú bộ giống cây trồng. Đến nay, toàn thôn có 45 hộ (chiếm 64,3% số hộ trong thôn) tham gia trồng hoa, cây cảnh. Nếu như năm 2019 cả thôn chỉ có 8,5 ha sản xuất hoa, cây cảnh thì nay đã đạt mốc gần 14 ha. Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất thì sản phẩm dần đa dạng, phong phú hơn với các loại hoa: Mẫu đơn, Lay ơn, Cúc, Hồng, Lan, Trà. Đặc biệt, các loại cây như Đào cảnh, Mộc hương, Tùng la hán, Tùng kim đã khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của thôn Mỹ Tân.

Hàng năm, tổng sản phẩm do Làng nghề sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Mỹ Tân cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh với doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng. Trong đó, hoa Đào có sản lượng lớn nhất với doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề đã tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động với thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Đường nội thôn được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng tạo diện mạo mới cho thôn Mỹ Tân.

Đường nội thôn được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng tạo diện mạo mới cho thôn Mỹ Tân.

“Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”

Cùng với những quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, năng động, sáng tạo trong nhân dân đã tạo nên một Mỹ Tân không ngừng đổi mới, trở thành điển hình “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”.

Từ chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã Tân Quang, thôn Mỹ Tân đã thành lập và kiện toàn Tổ hợp tác (THT) Trồng hoa, cây cảnh với 18 thành viên, THT Chè VietGAP với 28 thành viên. Đặc biệt, với sự hoạt động ổn định và hiệu quả của các THT, đến tháng 7.2017, thôn Mỹ Tân thành lập được Hợp tác xã toàn thôn. Trên cơ sở đó, tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng cả thôn cùng tham gia sản xuất hàng hóa, tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao khi sản phẩm được sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trưởng thôn Mỹ Tân Trần Văn Giang chia sẻ: Trong tổng số 70 hộ của thôn thì có đến 36 hộ khá, giàu (chiếm 51% số hộ trong thôn) và hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều mới. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 31 triệu đồng/năm. Đây cũng là cơ sở quan trọng để huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân tham gia xây dựng Mỹ Tân phát triển toàn diện. Minh chứng điển hình cho thấy: Năm 2017, Nhà văn hóa thôn Mỹ Tân (cấp IV, 5 gian) được xây dựng với tổng kinh phí trên 260 triệu đồng thì ngoài số tiền 150 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đã tự nguyện đóng góp 113 triệu đồng. Không những vậy, với phương châm “Việc làng, đất vàng cũng hiến”, 30 hộ dân sinh sống dọc trục đường chính của thôn tự nguyện hiến đất để mở rộng đường bê tông từ 2,5m lên 5m với tổng chiều dài 2.100m. Cùng với đó, dọc 2 bên tuyến đường, nhân dân tích cực trồng, chăm sóc hoa, tạo điểm nhấn mỹ quan ấn tượng cho làng quê.

Song song với kết quả trên, Mỹ Tân còn được Công an huyện Bắc Quang đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mô hình “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”. Toàn thôn hiện có 3 tổ tự quản về an ninh trật tự với 17 thành viên, 1 tổ hòa giải với 8 thành viên hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở đó, giải quyết dứt điểm các vụ việc nhỏ lẻ, mâu thuẫn phát sinh trong thôn, góp phần giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở.

Chủ tịch UBND xã Tân Quang Phạm Khắc Hoàng cho biết: Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp vận động nhân dân nhân rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng địa bàn tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để từng bước đưa sản phẩm hoa, cây cảnh của thôn Mỹ Tân phát triển thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí “Thôn xóm bình yên – Phát triển toàn diện”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/my-tan-mua-xuan-ve-3de170c/