Mỹ tăng tốc hiện diện quân sự bằng HIMARS tại tuyến đầu châu Á

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS), một trong những loại vũ khí được chú ý nhiều nhất của kho vũ khí hiện đại quân đội Mỹ, đang từng bước được tăng cường tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo National Interest, trong một cuộc tập trận gần đây, Mỹ đã triển khai HIMARS tại Philippines, thể hiện khả năng cơ động và tấn công chính xác của hệ thống này trong điều kiện địa hình và chiến thuật phức tạp của khu vực.

Một hệ thống M142 HIMARS do Mỹ cung cấp và sản xuất được quân đội Ukraine sử dụng - Ảnh: Getty

Một hệ thống M142 HIMARS do Mỹ cung cấp và sản xuất được quân đội Ukraine sử dụng - Ảnh: Getty

Kiểm chứng năng lực

Cuộc tập trận được khởi động tại Subic (Philippines) với việc vận chuyển HIMARS bằng máy bay vận tải C-130J Hercules. Sau khi đến nơi, hệ thống được chuyển lên một tàu đổ bộ và di chuyển hơn 160km đường biển đến đảo Palawan, khu vực có vị trí chiến lược ở phía tây Philippines.

Tiếp đó, HIMARS được vận chuyển thêm khoảng 80km qua các địa hình đô thị và rừng rậm trên đảo trước khi thực hiện phóng thử tên lửa huấn luyện vào mục tiêu giả định trên biển. Mục đích của cuộc tập trận là đánh giá khả năng triển khai nhanh và tác chiến trong môi trường đa dạng từ không gian đô thị, rừng rậm đến vùng biển mở.

Trung tá lục quân Ben Blane, chỉ huy tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn pháo binh dã chiến số 3 (LRFB) cho biết đây là cơ hội để quân đội Mỹ thể hiện năng lực phòng thủ trên bộ tại các vị trí chiến lược, nhằm hỗ trợ các đồng minh trong việc bảo vệ lãnh thổ chung.

M142 HIMARS là một hệ thống pháo phản lực được thiết kế để tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách xa. Phiên bản tiêu chuẩn có thể mang theo 6 tên lửa dẫn đường sử dụng hệ thống định vị GPS, với tầm bắn khoảng 70km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng mang theo một quả tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS với tầm bắn lên tới 320km.

Điểm nổi bật của HIMARS là khả năng triển khai nhanh chóng, di chuyển cơ động và thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng rồi rút lui, tránh bị phát hiện hoặc phản công. Tính cơ động này đặc biệt quan trọng trong các môi trường tác chiến rộng lớn như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phù hợp với không gian rộng lớn và đặc điểm chiến lược về hàng hải và hàng không, HIMARS chủ yếu được sử dụng với vai trò phòng thủ tại khu vực này, chẳng hạn trong các tình huống giả định như ngăn chặn các cuộc đổ bộ từ biển hoặc bảo vệ các đảo trọng yếu. Tuy nhiên, như được thể hiện trong cuộc tập trận, HIMARS cũng có thể được điều động để hỗ trợ các hoạt động tấn công nhanh và chính xác.

Truyền thông phương Tây cũng nhiều lần ca ngợi hiệu quả chiến đấu của HIMARS đã được kiểm chứng trong chiến sự tại Ukraine. Trong giai đoạn căng thẳng nhất của xung đột, HIMARS đã giúp lực lượng Ukraine thực hiện các đòn phản công nhờ khả năng tấn công chính xác các trung tâm hậu cần, cơ sở chỉ huy và tuyến tiếp tế của đối phương. Mỹ đã viện trợ khoảng 40 hệ thống HIMARS cho Ukraine. Dù một số bị hư hại trong giao tranh, phần lớn vẫn được duy trì hoạt động và đóng vai trò đáng kể trong các chiến dịch quân sự.

HIMARS không chỉ góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn được các chuyên gia quân sự đánh giá là một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Một trong những điểm mạnh của HIMARS là khả năng “bắn rồi rút”, hệ thống có thể nhanh chóng thay đổi vị trí sau khi khai hỏa, giảm nguy cơ bị phản công. Điều này giúp tăng cường khả năng sống sót của vũ khí và quân nhân điều khiển, đặc biệt trong môi trường chiến tranh có mật độ giám sát cao.

Triển vọng triển khai tại châu Á - Thái Bình Dương

Việc Mỹ mở rộng triển khai HIMARS tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang theo dõi sát sao các thay đổi an ninh và chiến lược. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của các lực lượng Mỹ tại khu vực, cùng với các cuộc tập trận quy mô như Balikatan - cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines, giúp tăng cường năng lực phối hợp tác chiến và thể hiện cam kết hỗ trợ từ Washington đối với các đối tác khu vực.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) nhấn mạnh rằng lực lượng đặc nhiệm đa miền (MDTF) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hỏa lực tầm xa với các hệ thống hỗ trợ chiến thuật khác, tạo nên một mạng lưới tác chiến linh hoạt có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống chống tiếp cận (A2/AD) của đối phương.

Từ góc độ chiến lược, việc triển khai HIMARS nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường khả năng răn đe và bảo vệ các tuyến giao thông hàng hải, hỗ trợ năng lực phòng thủ của các đồng minh, và duy trì ổn định trong khu vực đang có nhiều biến động địa chính trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng việc Mỹ triển khai vũ khí hiện đại cần được đặt trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng song phương hoặc đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-tang-toc-hien-dien-quan-su-bang-himars-tai-tuyen-dau-chau-a-232462.html