Quốc tế phản ứng trái chiều việc ông Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine
Lãnh đạo Ba Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ,... đồng loạt lên tiếng về đề xuất của Tổng thống Putin nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đang có nhiều phản ứng trái chiều trên trường quốc tế liên quan đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 15-5, theo tờ The Kyiv Independent.
Lãnh đạo Mỹ và các nước châu Âu nhanh chóng bác bỏ ý tưởng nối lại đàm phán trực tiếp nếu chưa có lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện. Theo đó, Washington và các đối tác châu Âu khẳng định không thể khởi động bất kỳ cuộc thảo luận nào khi chiến sự vẫn tiếp diễn.
Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine - ông Keith Kellogg nhấn mạnh rằng như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nói, phải ngừng giết chóc ngay lập tức, trước tiên cần lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, sau đó mới chuyển sang đàm phán hòa bình toàn diện, không thể làm ngược lại.

Lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Ba Lan và Anh tới thủ đô Kiev hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10-5. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố trên mạng xã hội X rằng: “Berlin cùng các đối tác đã kêu gọi lệnh ngừng bắn 30 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán, Ukraine đã đồng ý không đưa ra bất kỳ điều kiện nào, chúng tôi kỳ vọng Moscow sẽ đồng ý với lệnh ngừng bắn, vì đây là điều kiện tiên quyết để đối thoại thực chất”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thì nói rằng Nga đã đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine bắt đầu từ ngày 15-5, nhưng thế giới đang chờ quyết định rõ ràng về lệnh ngừng bắn vô điều kiện ngay lập tức.
Ngược lại, Tổng thống Venezuela - ông Nicolas Maduro bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Tổng thống Putin, gọi đây là hành động của một nhà lãnh đạo bảo vệ lợi ích quê hương, đồng thời có hiểu biết rõ ràng về môi trường quốc tế cần thiết để đạt được hòa bình toàn cầu.
Ông Maduro khẳng định rằng phần lớn các chính phủ và người dân Mỹ Latinh và Caribe đều chia sẻ quan điểm này, đồng thời tin tưởng họ sẽ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Putin trong việc nối lại đàm phán và trở lại con đường đối thoại trực tiếp và hiểu biết lẫn nhau giữa Nga và Ukraine, không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị tổ chức đàm phán tại Istanbul, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn trước khi bắt đầu thảo luận, dù phía Điện Kremlin không đề cập tới điều này.