Mỹ tăng tốc trong cuộc đua đất hiếm toàn cầu
Trong nỗ lực tăng cường bảo đảm nguồn cung khoáng sản đất hiếm, Mỹ vừa tích cực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tiềm năng với nhiều 'đại gia' trên thế giới, đồng thời vừa thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa trong lĩnh vực này.
Mới đây, một phái đoàn quan chức cấp cao Mỹ đã thăm Mông Cổ với mục đích trên hết là nhằm cố gắng khởi động mối quan hệ thương mại đất hiếm song phương.Từ lâu, Mông Cổ được gọi là “Minegolia” bởi sở hữu trữ lượng kim loại và khoáng sản vô cùng phong phú, trong đó có đất hiếm.
“Mông Cổ đang đứng trước một cơ hội mang tính thế hệ. Đó là nhu cầu để chúng ta tìm ra các khoáng chất và đất hiếm quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu năng lượng sạch của mình. Chúng ta sẽ làm việc đó một cách có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cộng đồng”, Politico dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, nhấn mạnh sau cuộc trao đổi với chính quyền Ulaanbaatar.
Tuy nhiên, Mông Cổ không phải là điểm đến duy nhất trong “chiến dịch con thoi” đa dạng hóa nguồn cung những khoáng sản quý của Mỹ tại các “kho báu ngủ quên”. Các quan chức Nhà Trắng cũng đã tới Nam Phi, Cộng hòa Congovà Mexico hay đàm phán trực tuyến với Argentina về các dự án khoáng sản quan trọng.
Theo Politico, trọng tâm trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden là quảng cáo về việc Mỹ sẽ cung cấp cho các quốc gia này một thỏa thuận tốt hơn đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của họ. Trước đó, chính quyền Washington cũng thành lập cơ chế đầy tham vọng mang tên Đối tác an ninh khoáng sản (MSP), hiện đã có 14 thành viên tham gia, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia,Ấn Độ, Đức, Pháp và nhiều quốc giachâu Âukhác, nhằm tìm cách bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thô ổn định cho nền kinh tế của các thành viên.
Mặt khác, Mỹ đang tăng cường khai thác, sản xuất đất hiếm của riêng mình. Minh chứng rõ nhất là quyết định “hồi sinh” mỏ Mountain Pass ở bang California có trữ lượng đất hiếm lớn nhất xứ cờ hoa và thứ 8 thế giới. Sau nhiều năm đóng cửa, mỏ đất hiếm mới được khai thác trở lại từ năm ngoái sau khi được công ty MP Materials mua lại vào năm 2017 và là mỏ đất hiếm duy nhất hoạt động thương mại ở Mỹ. Việc mỏ Mountain Pass tái hoạt động đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ vàLầu Năm Góc. Dẫu vậy, Yahoo Finance cho biết, do thiếu công nghệ nên MP Materials vẫn phải vận chuyển hàng chục nghìn tấn đất hiếm cô đặc đến Trung Quốc để xử lý mỗi năm.
Từng là nước dẫn đầu trong khai thác đất hiếm, nhưng ngành công nghiệp này của Mỹ đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ.CNBC cho rằng chính sự sao nhãng đó khiến cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trước năm 2017, không có một tấn đất hiếm nào được sản xuất tại Mỹ.Tính đến năm ngoái, sản xuất đất hiếm của Mỹ chiếm 14% thị phần sản lượng toàn cầu.
Vì vậy, khi chuỗi cung ứng đất hiếm bị gián đoạn trong những năm gần đây, các khách hàng phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm, trong đó có Washington, như “giật mình tỉnh giấc”. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp về đất hiếm, rồi sau đó Tổng thống Joe Biden cũng đưa các dự án đất hiếm vào Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) và mở rộng kho dự trữ đất hiếm. Mặc dù tham gia cuộc đua tương đối muộn, nhưng Mỹ đang thể hiện quyết tâm xây dựng lại sự hiện diện của mình trên thị trường thế giới đối với kim loại quý này.
Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng (IUPAC) cho biết, đất hiếm là một nhóm hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học, được ví như “vitamin của công nghiệp hiện đại” hay “muối của cuộc sống”. Theo Nikkei Asia, nếu không có đất hiếm, rất nhiều công nghệ hiện đại và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt sẽ không thành hiện thực. Hiện nay, đất hiếm có mặt hầu như trong tất cả sản phẩm mà con người sử dụng hằng ngày, từ đồ điện tử cho đến hàng không vũ trụ, hạt nhân, vũ khí quân sự, năng lượng mới... Do đó, khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm là một “con át chủ bài” mà nước nào dẫn đầu sẽ chiếm được ưu thế lớn trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia.