Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks mới đây đã bày tỏ sự tin tưởng vào chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến với Nga khi bà khẳng định rằng, Mỹ đang tìm cách hỗ trợ cho chính quyền Kiev trong 5, 10, 20 năm tới và thậm chí là lâu hơn nữa.
Hôm 14/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks cho biết, các nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tin rằng, định dạng của đất nước Ukraine sẽ tồn tại sau “cuộc chiến tranh xâm lược của Nga” và Mỹ đang chuẩn bị trang bị vũ khí cho nước này trong nhiều năm tới.
“Tôi nghĩ điều chúng ta có thể tự đảm bảo ngày hôm nay là sẽ vẫn có một quốc gia mang tên là Ukraine. Đó sẽ là một quốc gia có chủ quyền và quốc gia đó sẽ có một quân đội cần thiết để bảo vệ nó” - bà Hicks nói tại Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ quân sự của Defense One.
Vị nữ quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nhấn mạnh, hiện Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang nhìn về phía trước và suy nghĩ về những loại khả năng mà người Ukraine cần có để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đang diễn ra và tự bảo vệ mình về lâu dài.
Cho đến nay, Mỹ đã phân bổ khoảng 54 tỷ USD để chi cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, phần lớn trong số đó là những khoản chi hỗ trợ quân sự, cụ thể là cung cấp các loại vũ khí cho Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột quân sự với Nga bắt đầu vào ngày 24/2 vừa qua.
Được biết, các quỹ hỗ trợ cho nước này trong năm tài chính 2022 sẽ kết thúc vào ngày 30/9 đối với chính phủ liên bang. Tuy nhiên, bà Hicks cho biết, Lầu Năm Góc đang tìm cách hỗ trợ Ukraine về lâu dài, trong 5, 10, 20 năm tới và xa hơn trong tương lai.
Hiện nay, giới chức Lầu Năm Góc đang nghiên cứu để lên danh sách các loại thiết bị chiến đấu, cũng như tất cả các yêu cầu đào tạo và huấn luyện quốc phòng lâu dài cho Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU).
Theo giới phân tích Nga, những bình luận của thứ trưởng Hicks cho thấy chính quyền của ông Joe Biden không có kế hoạch giảm căng thẳng với Nga mà muốn cuộc chiến này kéo dài mãi, để buộc chính quyền Kiev vào “cỗ xe tù chính trị” của Washington và phương Tây.
Theo giới quan sát Nga, một trong những động lực chính buộc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là việc NATO không ngừng bành trướng về phía đông, gia tăng kết nạp các quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ, tạo thành “vành kim cô” bao vây Nga.
Động lực thứ hai là việc chính quyền thân phương Tây ở Kiev suốt 8 năm qua đã nỗ lực bài xích Moscow, liên kết với phương Tây, đưa Mỹ và NATO đến giáp biên giới của Nga. Có thể nói rằng, NATO đã biến Ukraine thành một “tiền đồn chống Nga” của phương Tây.
Toàn Thắng