Mỹ tính đưa tên lửa JASSM tối tân vào Ukraine: Mối đe dọa mới đối với Nga

Tổng thống Trump đang xem xét viện trợ tên lửa hành trình tàng hình JASSM cho Ukraine, giúp tăng cường khả năng tấn công sâu của F-16. Động thái này có thể làm thay đổi cán cân xung đột Nga–Ukraine.

Chiến đấu cơ F-16 của Ukraine do Mỹ sản xuất. Ảnh: MW.

Chiến đấu cơ F-16 của Ukraine do Mỹ sản xuất. Ảnh: MW.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét phê duyệt việc chuyển giao lô tên lửa hành trình phóng từ trên không JASSM đầu tiên cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, theo một báo cáo gần đây từ một nguồn tin am hiểu.

Các tên lửa này sẽ được trang bị cho đội tiêm kích F-16 đang ngày càng gia tăng của Không quân Ukraine. Dù phần lớn số F-16 này là các phiên bản cũ từ thời Chiến tranh Lạnh, chúng vẫn có thể đóng vai trò hiệu quả như các bệ phóng tên lửa khi hoạt động sâu trong vùng hậu phương an toàn.

Kế hoạch gửi tên lửa JASSM được đưa ra sau các báo cáo riêng biệt từ hai nguồn thông thạo kế hoạch viện trợ vũ khí vào ngày 14/7, cho biết Mỹ đang xem xét chuyển giao một loại tên lửa tầm xa chưa được tiết lộ, có khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Động thái này cũng trùng hợp với tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump rằng ông sẽ phê duyệt việc cung cấp thêm một hệ thống phòng không tầm xa Patriot cho Ukraine. Trong tuyên bố đó, ông cũng ám chỉ khả năng cung cấp thêm các hệ thống vũ khí tiên tiến khác.

 Máy bay F-16C với tên lửa hành trình JASSM và tên lửa không đối không AIM-120. Ảnh: MW.

Máy bay F-16C với tên lửa hành trình JASSM và tên lửa không đối không AIM-120. Ảnh: MW.

Tên lửa JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) được đưa vào biên chế từ năm 2003. Loại tên lửa này kết hợp khả năng tàng hình radar hạn chế với hệ thống dẫn đường chính xác cao và đầu đạn có sức công phá lên tới 450 kg.

Hiện có bốn quốc gia đang sử dụng JASSM, trong đó có Ba Lan – nước đã nhận 110 quả tên lửa loại này để trang bị cho các tiêm kích F-16. Số lượng khách hàng rất hạn chế của JASSM, cũng như việc hoàn toàn không có đối tác ngoài phương Tây, phản ánh chính sách xuất khẩu nghiêm ngặt. Trước đây, Hàn Quốc từng bị Mỹ từ chối đề nghị mua loại tên lửa này vào đầu thập niên 2010.

Mức độ nhạy cảm của JASSM được cho là lý do khiến việc viện trợ chúng từng bị trì hoãn.

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu cũ hơn thời Liên Xô trong biên chế Ukraine – như Su-27 và Su-24M – đã được chỉnh sửa để có thể phóng các loại tên lửa hành trình Storm Shadow (Anh) và SCALP (Pháp), vốn có một số đặc tính tương đồng với JASSM.

Tuy nhiên, do thiếu hụt tên lửa hành trình từ châu Âu, các lời kêu gọi viện trợ tên lửa từ Mỹ đang ngày càng gia tăng. Giới quan sát nhận định việc Mỹ cung cấp JASSM sẽ giúp nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu của phi đội F-16 của Ukraine trong thời gian tới.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-tinh-dua-ten-lua-jassm-toi-tan-vao-ukraine-moi-de-doa-moi-doi-voi-nga-post187616.html