Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới Anh lần đầu tiên sau 17 năm
Theo các phân tích mới, lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, Mỹ được cho là đã triển khai vũ khí hạt nhân đến lãnh thổ Vương quốc Anh.
Các chuyên gia phân tích phát hiện một máy bay cất cánh từ Căn cứ Không quân Kirtland ở Albuquerque, bang New Mexico, hướng tới Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) tại Lakenheath, miền Đông nước Anh. Căn cứ Kirtland là trụ sở của Trung tâm Vũ khí Hạt nhân thuộc Không quân Mỹ, một trong những kho chứa chính các loại vũ khí hạt nhân.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Newsweek rằng Washington không bình luận về “tình trạng hoặc vị trí của các vũ khí chiến lược". Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh thì cho biết: “Chính sách lâu dài của Anh và NATO là không xác nhận cũng như không phủ nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại một địa điểm cụ thể".

Máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều đồn đoán về khả năng căn cứ RAF ở miền Đông nước Anh sẽ một lần nữa tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ. Căn cứ RAF Lakenheath từng lưu trữ vũ khí hạt nhân của Washington trong nhiều thập kỷ cho đến năm 2008.
Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết vào năm 2023 rằng các tài liệu ngân sách quốc phòng Mỹ “ngầm thể hiện rõ” ý định của Không quân trong việc khôi phục sứ mệnh hạt nhân tại Anh. RAF Lakenheath - nơi đóng quân của Phi đội Tiêm kích số 48 đã được nâng cấp trong những năm gần đây.
Nếu Washington tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Anh, điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách và kế hoạch trong nhiều thập niên, đảo ngược xu hướng tập trung triển khai tại phía Nam châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, FAS cho hay.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy một máy bay vận tải của Không quân Mỹ khởi hành từ Albuquerque trong chuyến bay dài hơn 10 giờ tới Lakenheath vào ngày 16/7 và rời Anh 2 ngày sau đó.
“Có vẻ như nó đã đến Anh, thả các vũ khí đó xuống rồi quay lại thực hiện nhiệm vụ như thường lệ ở Mỹ", ông William Alberque, cựu lãnh đạo Trung tâm Không phổ biến Vũ khí hạt nhân của NATO, nói với tờ Times của Anh.
Tháng trước, chính phủ Anh thông báo sẽ mua ít nhất 12 tiêm kích F-35A thế hệ thứ năm. Khác với dòng F-35B mà Không quân Hoàng gia hiện đang sử dụng, F-35A được cho là có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Các máy bay này sẽ được bố trí tại căn cứ RAF Marham, phía Bắc Lakenheath.
Theo chính phủ Anh, thương vụ này “khôi phục lại vai trò hạt nhân cho Không quân Hoàng gia lần đầu tiên kể từ khi Anh chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân phóng từ máy bay sau Chiến tranh Lạnh".
Anh hiện có Trident - chương trình hạt nhân riêng với 4 tàu ngầm lớp Vanguard có khả năng phóng tên lửa hạt nhân. Mỹ sở hữu cả vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược. Các vũ khí phi chiến lược - còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật trong kho của Mỹ là các biến thể của bom trọng lực B61. Washington đã hoàn tất chương trình nâng cấp loại bom này lên phiên bản B61-12.
Vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa được phóng từ máy bay ném bom. Đây được xem là loại tên lửa có khả năng san phẳng các thành phố và đe dọa các cường quốc toàn cầu.
Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế cho mục tiêu chiến trường, có sức công phá nhỏ hơn và không bị giới hạn theo Hiệp ước New START, dự kiến hết hiệu lực vào năm 2026.
Mỹ được cho là sở hữu khoảng 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật, với một nửa trong số đó được bố trí tại các căn cứ ở châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Bỉ.
Sidharth Kaushal, chuyên gia cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói với tờ Time rằng chuyến bay trên “có thể là hoạt động vận chuyển bom B61 nhằm phục vụ cho việc triển khai tiềm năng trên các tiêm kích F-35A của RAF trong tương lai". Theo ông: “Đây là bước đi hướng tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nó mở ra một mức độ linh hoạt mới trong cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân".