Mỹ-Trung đạt thỏa thuận 'đình chiến' thương mại: Thách thức phía trước
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận 'đình chiến' trong cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 15 tháng qua với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn dự kiến sẽ có hiệu lực vào 15/10, và đổi lại Trung Quốc đã đồng ý mua từ 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
Chưa có văn bản nào được ký kết
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc cho đến nay đã đạt được thỏa thuận dự kiến chỉ trên nguyên tắc. Không có văn bản nào được ký kết. Chính quyền Washington thận trọng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận một phần này còn phải được soạn thảo thành văn bản và đôi bên sẽ phải “đi sâu vào chi tiết”, trước khi chính thức được nguyên thủ hai nước thông qua trong một vài tuần lễ sắp tới.
Nhà Trắng cho biết hai bên đã đạt được một số tiến bộ trên các vấn đề gai góc hơn, bao gồm điều luật lỏng lẻo của Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ nước ngoài. Tuy nhiên còn nhiều khác biệt chủ chốt, trong đó có cáo buộc rằng Trung Quốc ép các Cty nước ngoài phải trao các bí mật thương mại để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, cần được tiếp tục giải quyết trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Ông Trump vẫn chưa bỏ kế hoạch áp thuế lên thêm 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 tới, vốn sẽ mở rộng đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Đợt đánh thuế này sẽ bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm quần áo, đồ chơi và điện thoại thông minh và sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
Giới quan sát hiện đang nói đến một “bước tiến quan trọng” cho phép hy vọng Mỹ và Trung Quốc dừng các đòn đánh thuế lẫn nhau, gây phương hại cho tăng trưởng toàn cầu. Cho dù mới chỉ là thỏa thuận một phần, song Tổng thống Donald Trump cho đó là một thỏa thuận “đặc biệt.” Ông nói: “Chúng ta đang rất gần kề ngày chấm dứt chiến tranh thương mại”.
Thỏa thuận một phần này có thể sẽ được Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự trù được tổ chức vào tháng 11-2019 tại Chile.
Nhiều vấn đề gai góc bị bỏ ngỏ
Nhóm vận động hành lang về thương mại tự do cho biết họ hoan nghênh lời hứa tăng mua nông sản của Trung Quốc- mà theo ông Trump là trị giá từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD- nhưng lưu ý rằng các chi tiết vẫn chưa đầy đủ. Brian Kuehl, GĐ điều hành của nhóm vận động này cho biết: “Dù chúng tôi hài lòng khi biết rằng thuế quan sẽ không tăng, nhưng thỏa thuận này dường như không giải quyết những vấn đề thuế quan mà người nông dân hiện đang phải đối mặt. Khi cuộc chiến thương mại nổ ra, người nông dân được hứa rằng sự kiên nhẫn của họ rồi sẽ được đền đáp. Nhưng đến nay, thỏa thuận mà họ từng được hứa hẹn vẫn chưa thấy đâu”.
Ngoài ra, các nhà đàm phán đã không giải quyết tranh chấp về hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei với lý do hãng này gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ vì thiết bị của họ có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Ông Trump đã nói rằng, ông sẵn sàng sử dụng Huawei như một "quân cờ" để thương lượng trong các cuộc đàm phán.
Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng, thỏa thuận này chỉ đơn thuần là "tạm ngừng tranh chấp". Ông nói: “Tổng thống đang làm như là ông đã có rất nhiều nhượng bộ của Trung Quốc, nhưng họ không hề.” Trong khi đó, ông Gregory Daco, một nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định rằng, thỏa thuận một phần này sẽ không giải tỏa được nhiều sự bất định xung quanh chính sách thương mại vốn đã khiến nhiều Cty Mỹ không dám đầu tư mua sắm thiết bị và mở rộng sản xuất. Ông nói: “Đối với các DN, thỏa thuận một phần này có nghĩa là ít thiệt hại hơn, chứ không phải chắc chắn nhiều hơn.”
Còn theo các nhà phân tích được AFP trích lời, thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là biện pháp hoãn tăng thế tạm thời bởi vì thỏa thuận này chưa có nhiều chi tiết cụ thể và bỏ lại các vấn đề gai góc cho các cuộc đàm phán tiếp theo, giúp cả hai cường quốc kinh tế này đều có thể tuyên bố đạt được thành công.
Stephen Innes, một nhà phân tích của Axi Trader nói: "Việc thiếu những chi tiết cụ thể và thậm chí thực tế là thỏa thuận nhỏ này phải mất nhiều tuần mới hoàn thiện, đã nhanh chóng làm giảm sự lạc quan của các nhà kinh doanh". Nhà phân tích này nói thêm rằng, mọi người lo ngại tình hình này sẽ giống với trước đây khi "căng thẳng thương mại được xoa dịu rồi sau đó lại leo thang thương mại".
Ngày 11-10, Tổng thống Mỹ ca ngợi thỏa thuận quan trọng "giai đoạn 1" này là kết quả của việc ông giữ quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Barry Naughton, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ĐH California, San Diego, nói: "Thỏa thuận này không có gì nhiều và nó không giúp chúng ta tiến xa trong những vấn đề lớn, do đó liệu thỏa thuận này có dẫn tới điều gì quan trọng hay không vẫn là điều chưa rõ".
Song Houze - một nhà nghiên cứu của Viên Paulson, nói: "Sự tồn tại của những vấn đề gai góc như các DN thuộc sở hữu nhà nước và lĩnh vực công nghệ khiến hai nước khó đạt được một thỏa thuận lớn, điều đó có nghĩa rằng thuế quan hiện nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì". Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này đánh giá rằng thỏa thuận "một phần" mới nhất giữa hai nước là rất quan trọng đối với cả hai bên, trong bối cảnh hai nước cùng phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm dần.