Mỹ - Trung hòa hoãn áp thuế: Tín hiệu tạm lắng hay chiến lược dài hạn?

Thỏa thuận giảm mạnh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sau đàm phán Geneva có thể là dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: liệu đây là sự nhượng bộ tạm thời hay bước đi mở màn cho một trật tự thương mại mới?

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ và Trung Quốc bất ngờ công bố thỏa thuận hạ thuế đáng kể đối với hàng hóa của nhau. Washington cam kết giảm thuế từ 145% xuống 30% với hàng nhập từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng hạ mức thuế từ 125% xuống còn 10% đối với hàng hóa Mỹ. Dù thỏa thuận này chỉ có hiệu lực trong 90 ngày, động thái “xuống thang” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngay lập tức làm sôi động dư luận quốc tế và giới học giả.

Nhưng liệu đây là dấu hiệu của một giai đoạn giảm căng thẳng lâu dài, hay chỉ là khoảng lặng chiến thuật trong cuộc đối đầu mang tính cấu trúc?

Ảnh minh họa: Nguồn: Vecteezy

Ảnh minh họa: Nguồn: Vecteezy

Hòa hoãn trong thế đối đầu

Thỏa thuận thuế quan ngày 12/5/2025 không đồng nghĩa với một bước ngoặt hòa giải, mà là dấu hiệu của sự điều chỉnh chiến thuật trong cuộc cạnh tranh dài hơi giữa hai cường quốc. Mỹ và Trung Quốc đều tạm thời xuống thang, không vì từ bỏ đối đầu, mà để củng cố vị thế nội bộ trước khi bước vào những vòng đấu mới quyết liệt hơn.

Việc Washington duy trì các biện pháp kiểm soát công nghệ cao, trong khi Bắc Kinh đẩy mạnh chính sách tự cường chiến lược cho thấy thế đối trọng vẫn không thay đổi. Mỗi bên đang tận dụng “khoảng nghỉ” để tái cơ cấu lực lượng, điều phối chiến thuật, và giữ cho bàn cờ cạnh tranh quyền lực không bị đẩy đến điểm gãy. Đây là hòa hoãn có điều kiện, một khoảng lặng cần thiết trước những va chạm tiếp theo.

Cơ chế đối thoại mới: Giải pháp tạm thời hay nền tảng dài hạn?

Thỏa thuận tại Geneva không chỉ xoay quanh thuế quan. Việc thiết lập cơ chế đối thoại thường trực do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer dẫn dắt được giới phân tích xem là điểm nhấn then chốt. Các cuộc gặp sẽ luân phiên tổ chức tại Trung Quốc, Mỹ hoặc quốc gia thứ ba.

Giới học giả cho rằng đây là tín hiệu Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm một hình thức “quản trị cạnh tranh” mới, thay vì đối đầu toàn diện. Giáo sư Wang Jisi, Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Nếu cơ chế này duy trì hiệu quả, nó có thể trở thành mô hình giải quyết khác biệt song phương mang tính tiền lệ”.

Tuy nhiên, một số lại cảnh báo rằng cơ chế này sẽ chỉ thành công nếu hai bên sẵn sàng cam kết minh bạch và không dùng đối thoại như một công cụ trì hoãn.

Tác động đến thị trường và các nước thứ ba

Thỏa thuận hạ nhiệt thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc mang ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ song phương, cho thấy hai cường quốc vẫn ưu tiên đối thoại để kiểm soát cạnh tranh chiến lược. Đây là tín hiệu tích cực đối với trật tự quốc tế, khi ngoại giao được đặt lên trước đối đầu, dù chỉ trong một khoảng lặng tạm thời.

Đối với các quốc gia trung gian như Ấn Độ, diễn biến này đòi hỏi sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại nhằm duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường. Đồng thời, việc Geneva được chọn làm nơi đàm phán cũng nhấn mạnh vai trò của ngoại giao đa phương và các bên trung lập trong điều tiết căng thẳng toàn cầu, một yếu tố mà các nước nhỏ và vừa có thể tận dụng để nâng cao vị thế chiến lược.

Tuy vậy, các nền kinh tế đang phát triển lại lo ngại về nguy cơ bị “gạt ra ngoài lề” trong các điều chỉnh chuỗi cung ứng song phương. Trước mắt, phản ứng thị trường toàn cầu cho thấy sự lạc quan thận trọng.

Chiến thuật tạm thời hay cài lại ván cờ?

Việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý “xuống thang” thuế quan không đơn thuần là quyết định kinh tế, mà là bước đi mang tính chiến thuật trong cục diện cạnh tranh quyền lực. Với Washington, đây là cơ hội tạo thế ổn định trước bầu cử, đồng thời duy trì ảnh hưởng toàn cầu trong khi điều chỉnh nội lực. Bắc Kinh, ngược lại, dùng thời gian tạm lắng để củng cố vị thế và làm “mềm hóa” hình ảnh trong bối cảnh bị giám sát chặt chẽ tại nhiều mặt trận địa chính trị.

Thỏa thuận Geneva, do đó, phản ánh sự tính toán của cả hai bên trong việc quản lý xung đột thay vì giải quyết tận gốc. Sự hòa hoãn hôm nay không nhất thiết báo hiệu một tương lai hòa bình. Nó có thể chỉ là một cách để hai bên cài lại bàn cờ trong cuộc chơi dài hơi. “Ván cờ” ấy là cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21 không chỉ ở kinh tế, mà còn về ảnh hưởng chính trị, công nghệ và an ninh toàn cầu.

Việc “cài lại ván cờ” nhiều khả năng chỉ là bước lùi chiến thuật để hai bên tái cơ cấu lực lượng và định vị lại vị thế, trước khi chuyển sang những thế đối đầu mới ở các mặt trận chiến lược như công nghệ AI, hay quan hệ với các khối đồng minh.

Câu hỏi lớn đặt ra là: Sau 90 ngày hiệu lực tạm thời, liệu thế giới sẽ chứng kiến một hiệp định thương mại song phương toàn diện, hay sẽ lại quay về với vòng xoáy căng thẳng?

Trương Quốc Lượng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/my-trung-hoa-hoan-ap-thue-tin-hieu-tam-lang-hay-chien-luoc-dai-han-2400373.html