Mỹ - Trung Quốc không ai nhường ai

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chú ý nhiều hơn đến châu Á sau khi giải quyết quan hệ với Nga và châu Âu

Trong cuộc hội đàm hôm 26-7 với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman tại TP Thiên Tân - Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong yêu cầu Washington "thay đổi tư duy sai lệch và chính sách nguy hiểm".

"Quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng bế tắc và đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Nguyên nhân cốt lõi là một vài cá nhân ở Mỹ coi Trung Quốc như một kẻ thù tưởng tượng" - Thứ trưởng Tạ tuyên bố, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Dù vậy, ông Tạ nhấn mạnh Trung Quốc vẫn muốn hợp tác với Mỹ, miễn là giới lãnh đạo nước này "thay đổi đường lối" và tôn trọng lợi ích của Bắc Kinh. Thứ trưởng Tạ tuyên bố Bắc Kinh đã đề ra hàng loạt yêu cầu với Washington, bao gồm gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà lãnh đạo, quan chức và cơ quan chính phủ của Trung Quốc.

Tại buổi họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Thứ trưởng Sherman đã tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc ở TP Thiên Tân hôm 26-7. Ảnh: REUTERS

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc ở TP Thiên Tân hôm 26-7. Ảnh: REUTERS

Bà Sherman đến Thiên Tân vào ngày 25-7, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 2 ngày để hội đàm lần lượt với Thứ trưởng Tạ và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Giữa lúc quan hệ Washington - Bắc Kinh leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền, Hồng Kông đến công nghệ và biển Đông…, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định mục tiêu chuyến đi của bà Sherman không phải để giải quyết mâu thuẫn, mà là duy trì các kênh liên lạc cấp cao nhằm ngăn chặn cạnh tranh Mỹ - Trung biến thành xung đột.

Theo AP, Thứ trưởng Sherman là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức cách đây 6 tháng.

Nhận định quan hệ Mỹ - Trung hiện ở mức "thấp chưa từng thấy", chuyên gia Willy Lam của Trường ĐH Trung văn Hương Cảng (Trung Quốc) cho rằng các cuộc hội đàm như trên có thể tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) ở Ý vào tháng 10 tới.

Dù vậy, ông Lam nhấn mạnh khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này vẫn là một ẩn số, đặc biệt là khi Trung Quốc trước đó đã khước từ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.

Tổng thống Biden không những duy trì lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump mà còn tăng cường hợp tác với đối tác, đồng minh để duy trì sức ép lên Trung Quốc.

Bộ trưởng Austin trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Biden thăm Đông Nam Á, với mục tiêu củng cố liên minh đối phó Trung Quốc. Theo Reuters, trong các cuộc hội đàm ở Singapore (27-7), Việt Nam (28 và 29-7) và Philippines (29 và 30-7), ông chủ Lầu Năm Góc sẽ chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một vùng biển rộng mở và tự do.

Chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định sự hiện diện của Bộ trưởng Austin là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong các chính sách của Tổng thống Biden.

Theo một nhà ngoại giao giấu tên ở châu Á, Washington dường như đang hướng nhiều sự chú ý hơn đến khu vực này sau khi đã giải quyết những vấn đề toàn cầu khác, như quan hệ với Nga và châu Âu.

Cũng theo nhà ngoại giao này, Bộ trưởng Austin cần cân bằng giữa việc nhấn mạnh mối đe dọa Trung Quốc và chứng minh Washington xem Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là một mặt trận quân sự.

Tàu chiến Anh lần lượt đến biển Đông

Khu trục hạm HMS Defender và tàu Tidespring đã tách nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth và vượt qua eo biển Singapore, hướng đến biển Đông hôm 25-7.

Các tàu này đã tách đội hình sau khi kết thúc cuộc tập trận Konkan với Hải quân Ấn Độ, diễn ra từ ngày 21 đến ngày 22-7 tại vịnh Bengal. Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ, trang web chính phủ Anh cho biết cuộc tập trận chung nhấn mạnh sự ủng hộ của Anh đối với quyền tự do đi lại trên các tuyến đường thủy thương mại quan trọng cũng như một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh trên hành trình đến biển Đông. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh đang thực hiện 70 hoạt động phối hợp trên biển với 40 quốc gia trên khắp Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như tại biển Đông vào tháng tới. Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Anh, ông Steve Moorhouse, cho hay khoảng thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay làm việc với các đối tác NATO ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và biển Đen đã khẳng định cam kết quốc phòng hàng hải quan trọng nhất của Anh là duy trì an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Dữ liệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) hôm 25-7 cho thấy khu trục hạm HMS Defender đã cập cảng tại căn cứ hải quân Muara của Brunei trong khi tàu Tidespring cập cảng Singapore cùng ngày để bổ sung vật tư rồi hướng đến biển Đông. Hình ảnh trên mạng Twitter cùng ngày cho thấy một tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh HMS Artful cũng vượt eo biển Singapore và tiến vào biển Đông.

Trong khi đó, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng các chiến hạm hộ tống hôm 25-7 tham gia cuộc diễn tập PASSEX trên eo biển Malacca với các tàu hải quân Malaysia và dự kiến sớm đến Singapore, một trong các điểm dừng chân trên hành trình ở châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến có mặt tại Singapore cùng thời điểm tàu sân bay Anh cập cảng nước này.

Theo kế hoạch trên đường trở về Anh sau đó, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên trên biển và trên không Bersama Lima với Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore vào tháng 10.

Xuân Mai

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-khong-ai-nhuong-ai-20210726210918826.htm