Mỹ Tú chuyển đổi cơ cấu lúa vụ Thu - Đông
Mỹ Tú (Sóc Trăng) được biết đến là vùng đất trũng, phèn với nhiều loại cây trồng mà chủ lực là cây lúa. Trong suốt các năm qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện có cơ cấu sản xuất lúa 3 vụ/năm. Tuy nhiên, trong vụ lúa Thu - Đông 2021, nhiều diện tích đất sản xuất lúa của bà con nông dân không còn một màu xanh mượt của cánh đồng lúa, mà thay vào đó là những ruộng đất trống nước tràn đồng. Tận dụng nguồn nước trên, bà con nuôi cá, nuôi vịt, thậm chí để đồng ruộng trống đầy nước bắt ốc bán, góp phần tăng thu nhập, cải tạo môi trường đất cho vụ lúa Đông - Xuân tới.
Để tìm hiểu về việc chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi cá trên đồng và nuôi vịt của bà con vùng trũng huyện Mỹ Tú trong vụ Thu - Đông 2021, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Nhỏ, ấp Phước An B, xã Mỹ Phước.
Ông Nhỏ đưa chúng tôi ra tham quan mảnh ruộng nuôi cá của gia đình phía sau nhà. Chỉ tay về phía cánh đồng đầy nước, ông Nhỏ bộc bạch, cùng thời điểm này năm rồi, đây là ruộng lúa đang giai đoạn lúa trổ, chắc chắn với lượng nước lũ nhiều lúa sẽ thất thu, kèm với đó là giá phân bón tăng nên đến khi thu hoạch không lời đồng nào, thậm chí bị lỗ. Nhận định tình hình thực tế qua sản xuất các vụ Thu - Đông trước đây, trong vụ mùa Thu - Đông năm 2021 này, ông Nhỏ quyết định không xuống giống lúa mà thay vào đó là thả nuôi cá trên đồng bằng cách ương sẵn cá trong ao; đợi khi thu hoạch xong lúa Hè - Thu, chờ nước lũ về trên đồng là tiến hành dùng lưới bao quanh ruộng (với tổng diện tích 2ha) để vừa tận dụng nguồn cá có trong tự nhiên trong quá trình vây lưới bao quanh ruộng và thả số cá ương lên ruộng, chủ yếu là các loại cá như: cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, cá rô phi…
“Nuôi cá trên đồng không tốn bất kỳ chi phí thức ăn, bởi trong mùa nước nổi, cá sống trong ruộng tận dụng ăn phần lúa chét, gốc rạ, kể cả lượng ốc có sẵn trong ruộng, đàn cá nuôi kéo dài trong vòng 3 - 4 tháng mùa nước lũ, tương đương vụ lúa thì bắt đầu thu hoạch cá để bán. Sau đó, tiến hành làm đất xuống giống vụ Đông - Xuân 2021 - 2022. Với việc chuyển đổi từ trồng lúa vụ Thu - Đông 2021 sang nuôi cá, dự kiến đến cuối tháng 11 thu hoạch, thu lợi nhuận từ tiền bán cá hơn 20 triệu đồng, số tiền này cao hơn so với làm lúa vụ Thu - Đông khoảng 50%” - ông Nhỏ chia sẻ thêm.
Nếu như ông Nhỏ chọn cách không xuống giống vụ lúa Thu - Đông chuyển đổi sang nuôi cá thì anh Nguyễn Văn Vui, ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú lựa chọn nuôi vịt đẻ trứng cho lên đồng lúa trong mùa nước nổi, nhằm tận dụng lượng lúa chét trên đồng có sẵn cho vịt ăn. Anh Vui tâm tình: “Trước khi thu hoạch lúa Hè - Thu 2021 khoảng 20 ngày, tôi mua sẵn đàn vịt đẻ 500 con, đợi lúc thu hoạch hết lúa trên đồng thì cũng là lúc nước lũ về ngập cả cánh đồng, với diện tích 2ha đất, đủ để đàn vịt tìm thức ăn ngay trên ruộng. Đàn vịt đẻ mỗi ngày từ 350 - 400 trứng, thu về số tiền bình quân 600.000 đồng/ngày. Đồng thời, đàn vịt nuôi trong 3 tháng mùa nước lũ thay thế vụ lúa Thu - Đông thu về số tiền khoảng 15 - 20 triệu đồng”.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Nguyễn Thanh Điền, diện tích lúa Thu - Đông 2020 trên địa bàn huyện xuống giống là 2.500ha và trong năm 2021 kế hoạch xuống giống là 2.060ha, tập trung chủ yếu tại các xã vùng trũng như: Mỹ Hương, Long Hưng, Mỹ Tú, Mỹ Phước. Mặc dù theo kế hoạch của huyện diện tích xuống giống là 2.060ha, nhưng vụ Thu - Đông này chỉ xuống giống 293ha, số diện tích đất còn lại bà con nông dân chuyển sang xuống giống vụ Đông - Xuân sớm, nuôi cá trên đồng, nuôi vịt và bỏ đất trống vớt ốc bươu vàng bán kiếm thêm thu nhập. Theo thống kê của huyện, diện tích nuôi cá đồng của huyện trong vụ Thu - Đông ước gần 70ha.
“Nguyên nhân chính mà bà con nông dân lựa chọn không xuống giống vụ Thu - Đông 2021 là giá phân bón tăng cao, năng suất lúa thấp, giá lúa giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chắc chắn lợi nhuận cuối vụ không đáng kể, thậm chí gặp thời tiết bất lợi có thể bị lỗ nên hộ dân đã chuyển đổi sang nuôi cá đồng, nuôi vịt hay bỏ đất trống. Như thế, bà con tận dụng được nguồn nước lũ tự nhiên nuôi cá, vịt có thêm thu nhập và không làm lúa vụ 3, góp phần cải tạo đất, giúp đất màu mỡ. Qua đó, vụ lúa Thu - Đông 2022, huyện sẽ chủ trương không xuống giống vì hiệu quả kinh tế thấp mà chuyển sang làm vụ lúa Đông - Xuân sớm hay nuôi cá, nuôi vịt trên đồng, để làm 2 vụ lúa ăn chắc trong năm” - đồng chí Nguyễn Thanh Điền thông tin thêm.