Mỹ tuyên bố lệnh ngừng bắn mới ở Nagorno-Karabakh khi giao tranh vẫn tiếp diễn

Hoa Kỳ hôm Chủ nhật, 25/10, cho biết một lệnh ngừng bắn nhân đạo mới sẽ có hiệu lực vào thứ Hai trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia về khu vực Nagorno-Karabakh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có những cuộc gặp riêng với các ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan tại Washington vào thứ Sáu - Ảnh: AP

Bài liên quan

Armenia không tin vào giải pháp ngoại giao ở Nagorno-Karabakh

Xung đột Armenia-Azerbaijan leo thang, Mỹ tổ chức đàm phán hòa bình về Karabakh

Armenia và Azerbaijan tố đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn mới

Sự tham gia của Mỹ và hy vọng vào Nhóm Minsk

Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào 8 giờ sáng theo giờ địa phương (12 giờ sáng EDT) vào ngày 26 tháng 10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và chính phủ Azerbaijan và Armenia cho biết trong một tuyên bố chung.

“Xin chúc mừng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, những người vừa đồng ý tuân thủ lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào nửa đêm. Nhiều người sẽ được cứu sống”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.

Thông báo được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tổ chức các cuộc họp riêng biệt với các ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan tại Washington vào thứ Sáu.

Các cuộc họp đó có sự tham gia của các đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk, được thành lập để hòa giải xung đột và do Pháp, Nga và Hoa Kỳ dẫn đầu, được mô tả là “các cuộc thảo luận chuyên sâu” về lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán về các yếu tố cốt lõi của một giải pháp toàn diện.

Nhóm Minsk cho biết, các đồng chủ tịch của họ và các bộ trưởng ngoại giao đã đồng ý gặp lại nhau tại Geneva vào ngày 29 tháng 10.

Nhưng sự bùng nổ của một cuộc giao tranh mới vào Chủ nhật và sự sụp đổ của hai lệnh ngừng bắn trước đó do Nga làm trung gian, đã đặt ra câu hỏi về triển vọng của động lực mới này để chấm dứt các cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh, một phần của Azerbaijan do người Armenia kiểm soát.

Cuộc giao tranh nổ ra vào ngày 27 tháng 9 trên lãnh thổ tranh chấp đã tăng lên mức tồi tệ nhất kể từ những năm 1990, khi khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Một máy bay trực thăng quân sự của Azerbaijan bay trong cuộc giao tranh ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh gần thành phố Terter - Ảnh: Reuters

Căng thẳng vẫn chưa giảm bớt, hai bên tiếp tục cáo buộc nhau

Các quan chức địa phương ở Nagorno-Karabakh hôm Chủ nhật cáo buộc lực lượng Azeri đã nã pháo vào các khu định cư ở khu vực Askeran và Martuni trong đêm. Azerbaijan cho biết, các vị trí của họ đã bị tấn công bằng vũ khí cỡ nhỏ, súng cối, xe tăng và pháo.

Armenia cáo buộc lực lượng Azeri đã pháo kích vào các khu dân cư. Baku phủ nhận việc giết hại dân thường và cho biết họ sẵn sàng thực hiện lệnh ngừng bắn, miễn là các lực lượng Armenia rút khỏi chiến trường.

Bộ Quốc phòng khu vực Nagorno-Karabakh hôm Chủ nhật cho biết họ đã ghi nhận thêm 11 người thương vong trong các lực lượng của mình, nâng số người chết của quân đội lên 974 người.

Trước đó, vào Chủ nhật, trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã cáo buộc Armenia bắn phá các địa điểm dân sự và phóng hai tên lửa đạn đạo vào thành phố Ganja.

Tổng thống Armenia Armen Sarkissian cáo buộc Baku là "hung hăng cứng đầu và phá hoại".

Các cường quốc thế giới muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn kéo theo Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan và Nga, quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia.

Những khác biệt trong cuộc xung đột đã khiến quan hệ giữa Ankara và các đồng minh NATO thêm căng thẳng, khi ông Pompeo cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy xung đột bằng cách trang bị vũ khí cho phía Azeri. Ankara phủ nhận họ đã làm bùng phát xung đột.

Tổng thống Sarkissian, trong các bình luận được hãng thông tấn Armenpress đăng lại, đã kêu gọi “các bên tham gia toàn cầu” vào cuộc ngay lập tức để đưa ra một lệnh ngừng bắn và nói rằng Nga là “bên hòa giải tích cực và đáng tin cậy” giữa các bên xung đột.

Tổng tống Aliyev cho rằng, việc Armenia muốn hỗ trợ quân sự của Nga trong cuộc xung đột là “rất nguy hiểm” và các bên thứ ba không nên can dự quân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông nói chuyện với các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhiều lần trong ngày qua điện thoại và ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ giúp Moscow đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Khoảng 30.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến năm 1991-94 ở Nagorno-Karabakh. Người Armenia coi vùng đất này là một phần của quê hương lịch sử của họ; Azeris coi đây là vùng đất bị chiếm đóng bất hợp pháp phải được trả lại cho họ kiểm soát.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-tuyen-bo-lenh-ngung-ban-moi-o-nagorno-karabakh-khi-giao-tranh-van-tiep-dien-post102761.html