Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia, rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia và ra lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, trong nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự toàn diện nhằm thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký các sắc lệnh hành pháp sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 tại Điện Capitol, thủ đô Washington. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký các sắc lệnh hành pháp sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 tại Điện Capitol, thủ đô Washington. Ảnh: AFP

"Cuộc khủng hoảng lạm phát là do chi tiêu quá mức và giá năng lượng leo thang và đó là lý do tại sao hôm nay tôi cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia. Chúng ta sẽ khai thác, khai thác thật nhiều", ông Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ tại Điện Capitol vào ngày 20/1. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã cam kết sẽ cắt giảm một nửa chi phí năng lượng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu người đứng đầu các cơ quan liên bang "xác định và thực hiện bất kỳ thẩm quyền khẩn cấp hợp pháp nào có sẵn cho họ" để tạo thuận lợi cho hoạt động cho thuê, định vị, sản xuất và tạo ra các nguồn năng lượng trong nước, bao gồm cả trên đất liên bang.

"Tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia rất quan trọng vì chúng ta đang trong cuộc đua AI với Trung Quốc và khả năng sản xuất năng lượng trong nước của chúng ta rất quan trọng để chúng ta có thể tạo ra điện và năng lượng cần thiết để duy trì vị trí tiên phong toàn cầu về công nghệ", một quan chức Nhà Trắng chia sẻ với báo chí.

Động thái trên cho thấy ông Trump đang từ bỏ các cam kết trong nước và quốc tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ xem xét việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris có hiệu lực ngay sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc gửi thông báo tới Liên hợp quốc. Thỏa thuận khí hậu Paris mang tính bước ngoặt khi đặt mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã ký lệnh hủy bỏ quy định của cựu Tổng thống Joe Biden về việc cấm khai thác dầu khí ở các vùng rộng lớn ở khu vực Bắc Cực và vùng biển ven bờ của Mỹ, một động thái có khả năng sẽ bị phản đối tại tòa án.

Tổng thống Trump cũng bãi bỏ các mục tiêu của chính quyền trước là một nửa trong số tất cả các xe ô tô mới bán ra phải là xe không phát thải (xe xanh) vào năm 2030, đạt được ngành điện không phát thải carbon vào năm 2035 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 chậm nhất là vào năm 2050.

Mỹ đã là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua, vượt qua cả Ả Rập Xê Út và Nga. Các CEO của Exxon và Chevron cho biết mức sản xuất dầu khí dựa trên điều kiện thị trường và không có khả năng tăng đáng kể bất kể ai là chủ nhân Nhà Trắng.

Tuy nhiên, "vẫn còn một số mặt tích cực", CEO của Chevron Mike Wirth cho biết vào đầu tháng này. "Nhưng có lẽ không tăng trưởng ở mức mà chúng ta đã thấy trong nhiều năm qua vì một số mỏ đá phiến mới này bắt đầu phát triển", ông Wirth nhận định.

Trong khi đó, CEO của Exxon Darren Woods cho biết rằng sản xuất đá phiến của Mỹ không phải đối mặt với "các hạn chế bên ngoài" dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.

"Chắc chắn chúng ta sẽ không thấy sự thay đổi dựa trên sự thay đổi chính trị mà dựa nhiều hơn vào môi trường kinh tế", ông Woods cho biết trước khi ông Trump giành chiến thắng bầu cử năm 2024. "Tôi không nghĩ có ai ngoài kia đang phát triển một chiến lược kinh doanh để ứng phó với một chương trình nghị sự chính trị", đại diện Exxon nói thêm.

Theo ông Glenn Schwartz, giám đốc chính sách năng lượng tại công ty tư vấn Rapidan Energy, có một số luật khẩn cấp mà Tổng thống Trump có thể viện dẫn để tăng nguồn cung xăng và điện.

Ông Schwartz cho biết các trường hợp khẩn cấp thường được định nghĩa một cách lỏng lẻo theo luật liên bang, trao cho Tổng thống quyền tự do rộng rãi để sử dụng chúng theo cách mà ông ấy thấy phù hợp.

Và ông Trump có thể sẽ không gặp nhiều sự phản đối từ tòa án vì họ không muốn thách thức các quyết định của Tổng thống liên quan đến an ninh quốc gia, theo nhà phân tích của Rapidan Energy.

Đại diện Rapidan Energy cho rằng: "Kể cả khi ông Trump mở rộng quyền hạn khẩn cấp của mình theo những cách chưa từng có, thì cũng không rõ liệu tòa án có can thiệp để ngăn chặn bất kỳ hành động nào trong số những hành động này hay không".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/my-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-nang-luong-quoc-gia-rut-khoi-thoa-thuan-khi-hau-paris-d241706.html