Mỹ: Tỷ lệ cha mẹ mắc vấn đề lo âu và trầm cảm cao ngang thanh thiếu niên
Nghiên cứu mới cho thấy nhiều cha mẹ tại Mỹ cũng đang trải qua các vấn đề sức khỏe tâm lý.
Ảnh: iStock
Nghiên cứu mới của Đại học Harvard cho biết cha mẹ tại Mỹ đang phải chịu đựng các vấn đề liên quan đến lo âu và trầm cảm với tỷ lệ tương tự thanh thiếu niên.
Richard Weissbourd, nhà tâm lý học gia đình thuộc khoa Giáo dục sau đại học của Harvard, cho biết: "Chúng ta thực sự thường phạm sai lầm khi tách thanh thiếu niên ra khỏi cộng đồng của chúng. Chúng ta không thể thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra với thanh thiếu niên nếu chúng ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong gia đình họ."
Theo hai cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2022, một cuộc khảo sát được thực hiện với thanh thiếu niên và thanh niên, cuộc khảo sát còn lại với cha mẹ hoặc người chăm sóc, 18% thanh thiếu niên cho biết họ có vấn đề về lo âu, trong khi 20% bà mẹ và 15% ông bố mắc chứng lo âu. Trong khi đó, 15% thanh thiếu niên cho biết bị trầm cảm, so với 16% ở các bà mẹ và 10% ở các ông bố.
Trong khi đó, hơn một phần ba thanh thiếu niên có ít nhất một phụ huynh bị lo âu hoặc trầm cảm, theo ước tính của nghiên cứu, trong khi gần 40% thanh thiếu niên cũng cho biết họ "hơi lo lắng" về sức khỏe tâm lý của cha mẹ.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo: "Sẽ là đúng đắn khi gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe tâm lý của cha mẹ cũng như về sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên."
Theo báo cáo, trầm cảm và lo lắng ở cha mẹ có liên quan đến các vấn đề về học tập, cảm xúc và thể chất ở thanh thiếu niên. Mặc dù nghiên cứu không đưa ra ví dụ cụ, Weissbourd gợi ý rằng nhiều yếu tố gây căng thẳng ở thanh thiếu niên cũng có khả năng ảnh hưởng đến cha mẹ, như xả súng ở trường học, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của mạng xã hội, và sự cô đơn.
Báo cáo cũng chỉ ra thanh thiếu niên và cha mẹ có vấn đề về lo âu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của nhau.
"Khi bạn lo âu, điều đó có thể phá hoại mối quan hệ với con cái. Nó lôi kéo sự bận tâm của bạn đến những cảm xúc (tiêu cực) khác và dành ít tình cảm cho con mình hơn, và khiến con cái dành ít tình cảm hơn cho bạn," Weissbourd cho biết.
Tất nhiên, không có gì lạ khi các cặp cha mẹ/thanh thiếu niên có tình trạng sức khỏe tâm lý tương tự nhau. Theo Harold Koplewicz, chủ tịch kiêm giám đốc y khoa của tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tâm lý trẻ em Child Mind Institute, lo âu và trầm cảm là hai tình trạng có tính di truyền cao. Thanh thiếu niên bị trầm cảm có khả năng cao là có cha hoặc mẹ bị trầm cảm, và con số này cao hơn gấp 5 lần so với thanh thiếu niên không bị trầm cảm.
Nghiên cứu mới của Harvard đã chỉ ra sự gắn bó chặt chẽ giữa sức khỏe tâm lý của cha mẹ và thanh thiếu niên hơn so với các tài liệu trước đây. Điều đó cũng gợi ý rằng, theo Weissbourd, có nhiều phương pháp để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa ảnh hưởng của chứng lo âu và trầm cảm ở cả cha mẹ và con cái.
Dưới đây là đề xuất của nhà nghiên cứu để ngăn chặn tình trạng lo âu và trầm cảm trong gia đình:
1. Lắng nghe con bạn: Thanh thiếu niên cho biết mong muốn được cha mẹ đặt nhiều câu hỏi hơn về cuộc sống của chúng và "thực sự lắng nghe" câu trả lời của chúng. Việc lắng nghe có thể khuyến khích thanh thiếu niên tìm đến cha mẹ để được hỗ trợ về mặt cảm xúc, một dấu hiệu của mối quan hệ bền vững.
2. Cha mẹ cần được hướng dẫn trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên: Cha mẹ cần những thông tin cơ bản về chứng lo âu và trầm cảm và thời điểm trẻ cần được điều trị chuyên nghiệp, cũng như cách kiểm soát sự lo lắng của chính họ khi trẻ đang lo âu hoặc trầm cảm.
3. Chăm sóc những người làm chăm sóc: Cha mẹ cũng cần chăm sóc sức khỏe tinh thần. Weissbourd nói rằng việc thúc đẩy sức khỏe tâm lý của cha mẹ thông qua các trung tâm y tế, nơi làm việc và các tổ chức cộng đồng có thể mang lại lợi ích cho cả gia đình.
4. Cha mẹ nói chuyện thẳng thắn về chính vấn đề tâm lý của họ với con cái: Theo nghiên cứu, thanh thiếu niên có cha mẹ bị trầm cảm có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về hành vi của cha mẹ. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên học cách thẳng thắn và trung thực về những trải nghiệm của họ khi nói chuyện với con cái.
5. Giúp thanh thiếu niên trau dồi trải nghiệm sống để tìm ra ý nghĩa, mục đích và hy vọng cho cuộc sống của mình: 36% thanh thiếu niên trong cuộc khảo sát trả lời rằng họ cảm thấy "ít hoặc không có mục đích hay ý nghĩa trong cuộc sống", điều này có mối tương quan chặt chẽ với chứng trầm cảm và lo âu. Cha mẹ có thể hướng dẫn con cái hướng tới các mối quan hệ, hoạt động và cộng đồng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần của chúng.
Nguồn: The Washington Post