Mỹ - Ukraine bất đồng quan điểm về căng thẳng với Nga
Trái với những lời đe dọa từ chính quyền Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng quân đội Nga khó có khả năng tiến vào Ukraine trong tương lai gần.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 9/2 dẫn lời một số nguồn tin cho biết trong cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục cảnh báo người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về xảy ra xung đột trên biên giới Nga – Ukraine, đặc biệt là khi Mátxcơva điều quân đến Belarus tập trận.
Đáp lại, ông Zelensky cho biết trên thực tế mối đe dọa đã gia tăng từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine được cho là nghi ngờ về khả năng xảy ra một cuộc tấn công trong tương lai gần, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng những lời đồn đoán của Mỹ có thể khiến Nga tăng cường “bày binh bố trận”, gây bất ổn cho Ukraine về mặt chính trị và kinh tế.
Hồi tháng 1, Tổng thống Zelensky cho biết việc phương Tây thổi phồng về nguy cơ xảy ra xung đột đang khiến các cuộc đàm phán hòa bình ở khu vực ly khai Donbass (miền Đông Ukraine) trở nên khó khăn hơn.
“Chúng tôi không thấy bất cứ sự leo thang nào đáng kể so với trước đây. Đúng, số lượng binh sĩ đã tăng lên nhưng tôi đã đề cập đến việc này hồi đầu năm 2021 khi họ nói về các cuộc tập trận của Nga”, ông Zelensky nói. “Nếu theo báo giới phương Tây, thì có vẻ như chúng ta đang có chiến tranh, rằng quân đội đã lên đường, rằng các lực lượng đang được điều động. Nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta không cần phải hoảng sợ.”
Tổng thống Zelensky cũng đề cập đến cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, bác bỏ thông tin cho rằng cuộc trò chuyện diễn ra không suôn sẻ vì hai bên có bất đồng. “Chúng tôi không có bất cứ hiểu lầm nào với Tổng thống Mỹ. Tôi thấu hiểu những gì đang xảy ra ở đất nước mình, và ông ấy cũng hiểu rất rõ những gì đang xảy ra ở Mỹ”, ông Zelensky giải thích.
WSJ cũng trích dẫn một số quan chức cấp cao của Ukraine cho biết họ cảm thấy đặc biệt khó chịu với quyết định của Washington trong việc sơ tán nhân viên không thiết yếu và gia đình các nhà ngoại giao khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Kiev. Động thái này của Washington khiến nhiều người suy diễn rằng thủ đô của Ukraine có thể sẽ sớm bị chiếm đóng, giống Kabul của Afghanistan hồi tháng 8/2021.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga đưa khoảng 100.000 quân đến biên giới để uy hiếp Ukraine. Tuy nhiên, cáo buộc này liên tục bị Nga bác bỏ. Giới chức Ukraine cũng thẳng thắn nhận định hiện không có dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Tuần trước, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới rằng chính phủ Mỹ sẽ không còn sử dụng từ “sắp xảy ra” để mô tả nguy cơ tấn công của Nga, bởi vì “nó khiến nhiều người hiểu lầm là chúng tôi biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra quyết định tấn công”.