Mỹ và châu Âu ấn định 'hạn chót' cho thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và các Ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh đã nhất trí trong một cuộc điện đàm rằng cuối tháng 8 sẽ là thời hạn thực tế để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, Axios đưa tin.

Theo báo cáo của Axios, nếu không đạt được thỏa thuận nào trước thời hạn đó, ba cường quốc châu Âu sẽ có kế hoạch kích hoạt cơ chế "phục hồi", theo đó tự động áp đặt lại tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Phát biểu tại một cuộc họp với các đối tác EU, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot hôm 15/7 (giờ địa phương) cho biết: “Pháp và các đối tác của mình hoàn toàn có lý khi tái áp dụng các lệnh cấm vận toàn cầu đối với vũ khí, ngân hàng và thiết bị hạt nhân đã được dỡ bỏ 10 năm trước. Nếu Iran không có cam kết chắc chắn, cụ thể và có thể kiểm chứng, chúng tôi sẽ thực hiện việc này chậm nhất là vào cuối tháng 8".

Trên thực tế, Hội đồng Bảo an LHQ đã dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt chống Iran sau khi Tehran và nhóm P5+1 đạt được thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Pháp, Đức và Anh sẽ có kế hoạch kích hoạt cơ chế tự động áp đặt lại tất cả các lệnh trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận với Iran trước tháng 9. Ảnh: Reuters

Pháp, Đức và Anh sẽ có kế hoạch kích hoạt cơ chế tự động áp đặt lại tất cả các lệnh trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận với Iran trước tháng 9. Ảnh: Reuters

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng hồi đầu năm nay, Mỹ và Iran đã lần đầu tiên khởi động tiến trình đàm phán song phương về vấn đề hạt nhân của Iran, dưới sự trung gian của Oman hồi tháng 4 vừa qua.

Theo The Guardian, việc khôi phục các lệnh trừng phạt sẽ được kích hoạt theo Chương 7 của Hiến chương LHQ, khiến việc khôi phục 6 nghị quyết của LHQ trở nên bắt buộc, bao gồm nghị quyết yêu cầu Iran đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến làm giàu và tái chế uranium, kể cả ở cấp độ nghiên cứu và phát triển.

The Guardian trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng các nghị quyết dù được khôi phục sẽ không tự động dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, cắt đứt khả năng tiếp cận của Iran với các hệ thống tài chính quốc tế, hay cắt đứt các hoạt động giao thương nói chung.

Tuy nhiên, tất cả các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế sẽ phải kiềm chế cung cấp hỗ trợ tài chính, cam kết mới hoặc các khoản vay ưu đãi cho chính phủ Iran, ngoại trừ các mục đích nhân đạo và phát triển.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi gần đây cho biết việc kích hoạt lệnh trừng phạt nhanh chóng “sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt vai trò của châu Âu trong vấn đề hạt nhân Iran và có thể là thời điểm đen tối nhất trong lịch sử quan hệ giữa Iran với ba nước châu Âu, một thời điểm có thể không bao giờ được khắc phục”.

“Điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc vai trò trung gian hòa giải của châu Âu giữa Iran và Mỹ”, ông cảnh báo, nhấn mạnh rằng động thái kích hoạt cơ chế "phục hồi" sẽ chỉ khiến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-va-chau-au-an-dinh-han-chot-cho-thoa-thuan-hat-nhan-iran-i774899/