Mỹ và đồng minh chia rẽ về chiến thuật tấn công Nga của Ukraine

Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề cao việc quản lý cẩn thận khả năng rủi ro leo thang, thì Anh lại đang phản ứng mạnh mẽ hơn.

Xung đột ở Ukraine khiến mối quan hệ đặc biệt Mỹ - Anh gia tăng bất đồng. Ảnh: TASS

Xung đột ở Ukraine khiến mối quan hệ đặc biệt Mỹ - Anh gia tăng bất đồng. Ảnh: TASS

Theo tờ Telegragh, Mỹ và Anh luôn duy trì mối quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ này còn đặc biệt hơn giữa Hải quân Anh và Hải quân Mỹ cũng như các cơ quan tình báo hai nước. Tuy nhiên, những bất đồng giữa London và Washington đang gia tăng về chiến lược đối với Ukraine.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, Anh luôn tỏ ra quyết liệt hơn Mỹ trong việc hỗ trợ Kiev. Lực lượng đặc biệt của Anh đã hoạt động ở Ukraine gần tiền tuyến hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện này và ảnh hưởng liên quan đến quân đội Ukraine được thể hiện rõ nhất qua các cuộc đột kích và tấn công bằng phương tiện bay không người lái mà Ukraine đã thực hiện bên trong lãnh thổ Nga.

Cái gọi là “tấn công sâu” là một học thuyết nổi bật của Trung đoàn Không quân Đặc biệt số 22 của quân đội Anh. Ngược lại, việc triển khai lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ và CIA tới Ukraine bị hạn chế hơn nhiều về quy mô và tính linh hoạt trong hoạt động. CIA từng phàn nàn các đối tác Anh của họ đang tự do hành động trong khi các sĩ quan CIA phải liên tục xin ý kiến từ trung tâm chỉ huy của họ ngay cả đối với những chuyến đi đến các khu vực ở xa mặt trận.

Những tuần gần đây đã cho thấy sự gia tăng áp lực đáng chú ý của Nga trên chiến trường Ukraine. Cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trong tuần này càng nhấn mạnh thêm áp lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc cảnh báo phương Tây. Điện Kremlin muốn sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine giảm đi đáng kể để tạo không gian chính trị và quân sự cho cuộc tấn công mùa hè của Nga.

Nhưng trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề cao việc quản lý cẩn thận khả năng rủi ro leo thang, thì Anh lại đang phản ứng mạnh mẽ hơn.

Thông báo của Ngoại trưởng David Cameron vào tuần trước rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga là một minh chứng cụ thể.

Cho đến nay, Kiev chỉ có thể sử dụng các hệ thống vũ khí của Anh như tên lửa hành trình Storm Shadow để nhắm vào các vị trí của Nga ở các khu vực miền Đông Ukraine. Sự thay đổi trong chiến lược của Anh tạo ra những điều kiện mới đáng kể cho các chỉ huy Ukraine. Nó sẽ cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các vị trí của Nga xung quanh các thành phố như Voronezh, Kursk, Bryansk và Orol. Những khu vực nằm ngoài biên giới phía Đông Bắc Ukraine này đóng vai trò là nút hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga.

Storm Shadow cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ chính xác mà Nga khó phòng thủ hơn nhiều so với các cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái. Điều này có nghĩa là ngay cả khi Storm Shadow không được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, khả năng sử dụng nó sẽ buộc các chỉ huy Nga phải cảnh giác hơn. Họ sẽ phải áp dụng những biện pháp tốn kém và mất thời gian để che giấu, ngụy trang và bảo vệ tốt hơn các lực lượng trong tầm bắn của Storm Shadow.

Do đó, Nga đã phản ứng dữ dội trước thông báo của Anh. Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Moskva đầu tuần này, cảnh báo rằng nếu Ukraine thực sự sử dụng vũ khí của Anh tấn công lãnh thổ Nga, Nga sẽ coi các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự của Anh ở trong và xung quanh Ukraine là “hợp pháp”.

Nhưng London không phải là đối tượng duy nhất bị Nga chỉ trích. Nga cũng tức giận không kém với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cảnh báo gần đây rằng sẽ xem xét việc triển khai quân tham chiến ở Ukraine với một số điều kiện nhất định.

Trong khi đó, chính quyền Biden lại ngày càng thận trọng hơn. Với mong muốn kiềm chế giá xăng dầu của Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, Nhà Trắng đã gây áp lực buộc Ukraine phải tránh nhắm mục tiêu vào các cơ sở lọc dầu của Nga bằng phương tiện bay không người lái của mình. Đây là một yêu cầu khá đáng kinh ngạc vì những cuộc tấn công này là cách Ukraine làm suy giảm nguồn thu chính của Nga. Các quan chức trong chính quyền Biden cũng tái khẳng định rằng họ không ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào bên trong lãnh thổ Nga chứ đừng nói đến việc sử dụng vũ khí của Mỹ.

Vấn đề trên đã tạo ra khoảng cách chiến lược ngày càng tăng giữa Washington và đồng minh thân cận nhất cũng như giữa Mỹ và đồng minh lâu đời nhất. Anh và Pháp cho rằng Nga có thể đối đầu và răn đe theo những nguyên tắc giống như nguyên tắc răn đe trong Chiến tranh Lạnh, cụ thể là sự sẵn sàng đáp ứng áp lực ngày càng tăng của Nga bằng hành động tương xứng, trong khi Mỹ dường như tin vào điều ngược lại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-va-dong-minh-chia-re-ve-chien-thuat-tan-cong-nga-cua-ukraine-20240512120218511.htm