Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán hạt nhân cấp cao

Mỹ và Iran hôm nay (12/4) bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao về chương trình hạt nhân Iran. Đây là cuộc thảo luận cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đổ vỡ vào năm 2018.

Theo kế hoạch, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán nước này, trong khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi sẽ đại diện cho nước Cộng hòa Hồi giáo.

Phát biểu với báo giới trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, ông Trump nhấn mạnh, ông xem cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran ở Oman là sự khởi đầu của một quá trình, đồng thời nhấn mạnh "thời gian không còn nhiều": "Tôi muốn Iran trở thành một quốc gia tuyệt vời, vĩ đại và hạnh phúc. Nhưng họ không thể có vũ khí hạt nhân. Và chúng tôi sẽ có cuộc đàm phán lớn với họ hôm nay".

Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: Getty

Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: Getty

Trong khi đó, trên trang mạng X, cố vấn của Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei là ông Ali Shamkhani cho biết Iran đang tìm kiếm một thỏa thuận thực sự và công bằng, đồng thời nhấn mạnh, những đề xuất quan trọng và khả thi đã sẵn sàng. Ông cũng nói thêm rằng nếu Mỹ thể hiện thiện chí, con đường phía trước sẽ thuận lợi.

Hình thức đàm phán hiện vẫn chưa được xác nhận, khi Mỹ gọi đây là đàm phán trực tiếp nhưng Iran khăng khăng phải có bên trung gian. Tuy nhiên, theo hãng tin Tasnim của Iran các phái đoàn sẽ bắt đầu đàm phán gián tiếp sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Oman Badr bin Hamad Al Busaidi.

Trong những tuần gần đây, Iran đã nhiều lần từ chối đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Theo quan điểm của Iran, Ngoại trưởng Iran sẽ không đến bàn đàm phán với một khẩu súng chĩa vào đầu và bày tỏ lo ngại Mỹ sẽ một lần nữa từ bỏ các cam kết của mình, như đã từng làm cách đây 7 nămtrong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Iran có thể theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Mỹ như một giải pháp tạm thời cho đến khi đạt được một thỏa thuận rộng hơn.

Theo quan điểm của Iran việc đạt được một thỏa thuận toàn diện trong khung thời gian 2 tháng theo đề nghị của Mỹ là không thực tế. Một thỏa thuận tạm thời có thể gồm việc Iran đình chỉ một số hoạt động làm giàu uranium cũng như giảm kho dự trữ uranium làm giàu 60%, cho phép các thanh tra viên của Liên hợp quốc tiếp cận tốt hơn các cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại, Iran có thể yêu cầu Mỹ đình chỉ các lệnh trừng phạt "gây sức ép tối đa" với họ.

Đây là cuộc thảo luận cấp cao nhất giữa Iran và Mỹ kể từ khi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đổ vỡ sau việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2018. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận mới, cuộc đàm phán lần này dự báo sẽ vô cùng căng thẳng và kịch tính. Trong trường hợp đàm phán đổ vỡ, một cuộc đối đầu về quân sự có thể xảy ra giữa Mỹ và Iran.

Ông Mehrdad Khonsari - một cựu nhà ngoại giao Iran và chuyên gia về Iran nhận định: “Nếu các cuộc đàm phán này thất bại, rõ ràng là người Israel sẽ thúc đẩy một cuộc đối đầu quân sự nào đó với Iran. Và tôi nghĩ người Mỹ cũng sẽ làm theo trong trường hợp Iran từ chối hợp tác theo cách có ý nghĩa. Và đó chính xác là mối đe dọa đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều hiện nay”.

Điều này cung đã được phía Mỹ nhấn mạnh trước thềm cuộc đàm phán. Phát biểu tại họp báo hôm qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh, Iran sẽ "phải trả giá đắt" nếu họ không từ bỏ chương trình hạt nhân,.

Mục tiêu cuối cùng và mục đích cuối cùng của ông là đảm bảo rằng Iran không bao giờ có thể có được vũ khí hạt nhân. Tổng thống tin vào ngoại giao, đàm phán trực tiếp, nói chuyện trực tiếp trong cùng một phòng để đạt được mục tiêu đó. Nhưng ông đã nói rất rõ với người Iran và nhóm an ninh quốc gia của ông cũng vậy, rằng mọi lựa chọn đều có thể xảy ra và Iran phải đưa ra lựa chọn.

Trước đó, đầu tháng này, ông Trump đã ra lệnh tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở Trung Đông và dọa sẽ ném bom Iran nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đã đạt được vào năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ. Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã bị ông Trump hủy bỏ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Iran đã trả đũa bằng cách nối lại các hoạt động hạt nhân của mình và cho đến nay đã thúc đẩy chương trình của mình lên mức cao hơn nhiều.

Hồng Nhung/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-va-iran-bat-dau-dam-phan-hat-nhan-cap-cao-post1191504.vov