Mỹ và Israel tiếp tục cản trở Palestine trở thành thành viên Liên Hợp Quốc
Với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tối qua (10/5, giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine.
Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc, đồng thời khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ tiến trình này. Dù nghị quyết vừa được thông qua, song quan điểm giữa các bên vẫn còn khá cách biệt.
Mỹ và Israel nằm trong số ít các quốc gia bỏ phiếu chống lần này. Đại diện của Mỹ tiếp tục giữ lập trường cho rằng, việc Mỹ phủ quyết không phản ánh sự phản đối việc thành lập nhà nước của Palestine mà thay vào đó là để khẳng định, việc công nhận phải đến từ đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Lý giải cho quyết định bỏ phiếu trắng của Đức, Đại sứ Đức Thomas Zahneisen nêu quan điểm: “Nếu việc Palestine được trao tư cách thành viên đầy đủ có thể ngay lập tức chấm dứt mọi đau khổ mà chúng ta đang chứng kiến, thì hôm nay chúng tôi sẽ hết lòng bỏ phiếu thuận. Nhưng hiện chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine mới dẫn đến hòa bình bền vững ở Trung Đông và dẫn đến giải pháp hai nhà nước. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã bỏ phiếu trắng ngày hôm nay”.
Trong khi đó, đại diện các quốc gia như Nga, Pháp và Iran... lại rất ủng hộ việc thông qua nghị quyết lần này. Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Saeid Iravani và Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh:
"Cộng hòa Hồi giáo Iran ủng hộ quyết định của Đại hội đồng ngày hôm nay. Quyết định này thể hiện một bước đi khiêm tốn song rất quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ của cộng đồng quốc tế đối với người dân Palestine cũng như khôi phục một số quyền vốn có của người Palestine. Palestine đã thể hiện cam kết của mình đối với hòa bình và khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hiến chương Liên Hợp Quốc. Do đó, nước này xứng đáng là thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc”.
“Palestine phải trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc. Đề xuất gửi Hội đồng Bảo an một lần nữa xem xét việc Palestine trở thành thành viên Liên Hợp Quốc là điều chúng tôi cho là yếu tố quan trọng nhất. Đó là một nghĩa vụ đạo đức. Chỉ có tư cách thành viên chính thức mới cho phép Palestine sát cánh cùng các thành viên khác của tổ chức và được hưởng đầy đủ các quyền mà tư cách thành viên này bao hàm”.
Ngay sau khi nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ngay lập tức hoan nghênh bước đi này, đồng thời cảm ơn các quốc gia đã ủng hộ.
Với việc nghị quyết được thông qua, Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng (tháng 9/2024). Nhưng vì chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).