Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận đầu tư tái thiết lịch sử

Thỏa thuận thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine đánh dấu bước ngoặt hợp tác kinh tế song phương, loại bỏ yêu cầu hoàn trả viện trợ và mở rộng cơ hội thu hút đầu tư vào tài nguyên, công nghệ và hạ tầng Ukraine.

Mỹ và Ukraine vừa ký kết một thỏa thuận kinh tế quan trọng sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, khởi đầu cho một chương trình hợp tác tái thiết quy mô lớn.

Thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine

Tâm điểm của thỏa thuận là việc thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine, hướng đến thu hút dòng vốn toàn cầu để hỗ trợ Ukraine phục hồi sau hơn ba năm chiến tranh.

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko, cho biết quỹ sẽ được quản lý theo cơ chế ngang bằng giữa hai nước. Tỷ lệ góp vốn và quyền ra quyết định chia đều, thể hiện tinh thần đối tác bình đẳng và cùng có lợi. Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát tài nguyên trong lòng đất và trên biển, đồng thời giữ nguyên quyền quyết định việc khai thác, phù hợp với luật pháp trong nước.

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và các quan chức khác tại lễ ký kết thỏa thuận khoáng sản quan trọng giữa Ukraine và Mỹ tại Washington, DC vào ngày 30/4/2025. Ảnh: X

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và các quan chức khác tại lễ ký kết thỏa thuận khoáng sản quan trọng giữa Ukraine và Mỹ tại Washington, DC vào ngày 30/4/2025. Ảnh: X

Theo văn bản ký kết, các công ty nhà nước như Ukrnafta và Energoatom vẫn thuộc sở hữu công, không bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận. Quỹ không làm phát sinh bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào đối với Ukraine, một trong những điểm mấu chốt được Kiev bảo vệ trong suốt quá trình đàm phán.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng yêu cầu Ukraine hoàn trả một phần viện trợ với con số lên tới 500 tỷ USD. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị loại bỏ khỏi thỏa thuận cuối cùng.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đánh giá đây là thành tựu mang tính đột phá, mở ra cơ hội mới cho phục hồi kinh tế và duy trì hỗ trợ từ phía Mỹ. Ông nhấn mạnh thỏa thuận không mâu thuẫn với Hiến pháp Ukraine, đồng thời phù hợp với tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu. Văn kiện cũng đảm bảo không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào của Ukraine.

Theo các điều khoản, 50% doanh thu từ các giấy phép mới trong lĩnh vực dầu khí và tài nguyên chiến lược sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước. Các dự án đang hoạt động hiện tại không thuộc phạm vi áp dụng. Thu nhập và đóng góp vào quỹ được miễn thuế ở cả hai quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để đầu tư mang lại hiệu quả lâu dài.

Quỹ sẽ được hỗ trợ trực tiếp bởi Tổng công ty Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) - cơ quan thuộc chính phủ Mỹ có chức năng huy động vốn và công nghệ từ các doanh nghiệp tại Mỹ, châu Âu và các quốc gia đang ủng hộ Ukraine. Bên cạnh nguồn vốn, công nghệ cũng là yếu tố được ưu tiên, góp phần tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế Ukraine thông qua đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhận định mối quan hệ đối tác này sẽ giúp Mỹ cùng Ukraine khai thác tiềm năng tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư nhờ vào tiêu chuẩn quản trị và nguồn vốn từ Mỹ. Thỏa thuận nêu rõ mọi dự án đầu tư sẽ được thực hiện hoàn toàn trong lãnh thổ Ukraine và phải được cả hai bên thống nhất.

Cơ hội cho Mỹ tiếp cận khai thác khoáng sản mới

Sự kiện đánh dấu bước tiến đáng kể trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Kiev và chính quyền Tổng thống Trump, vốn trải qua nhiều biến động kể từ đầu năm. Các quan chức Ukraine kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp duy trì sự hậu thuẫn từ Mỹ trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn đang diễn ra.

Tính đến nay, Mỹ là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với tổng giá trị hỗ trợ vượt 72 tỷ USD, theo số liệu từ Viện Kiel tại Đức. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ quan điểm Mỹ cần nhận lại giá trị tương xứng cho khoản viện trợ đã cấp. Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn yêu cầu hoàn trả được xem là một thắng lợi đáng kể đối với Kiev.

Thỏa thuận cũng mở ra cơ hội cho Mỹ tiếp cận ưu tiên với các dự án khai thác khoáng sản mới tại Ukraine - quốc gia sở hữu trữ lượng lớn đất hiếm, urani, khí đốt tự nhiên và sắt. Những tài nguyên này đóng vai trò chiến lược trong sản xuất xe điện, thiết bị công nghệ và ứng dụng quốc phòng. Việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc là mục tiêu then chốt của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế chưa hạ nhiệt.

Dù không bao gồm bất kỳ cam kết an ninh cụ thể nào từ phía Mỹ, Ukraine vẫn đang thảo luận với các nước châu Âu về khả năng thành lập một lực lượng quốc tế nhằm đảm bảo an ninh nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Trong khi đó, Washington tiếp tục đưa ra các đề xuất riêng về giải pháp chấm dứt chiến sự, trong đó có những điểm còn gây tranh cãi liên quan đến tình trạng pháp lý của Crimea và các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Phát biểu sau lễ ký, bà Svyrydenko khẳng định thỏa thuận là một thông điệp rõ ràng gửi tới cộng đồng quốc tế: Ukraine là đối tác đáng tin cậy cho các cam kết hợp tác dài hạn. Việc thiết lập quỹ không chỉ hướng tới khôi phục kinh tế mà còn định vị Ukraine là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược đầu tư toàn cầu thời hậu xung đột.

Long Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/my-va-ukraine-ky-thoa-thuan-dau-tu-tai-thiet-lich-su-193405.htm