Mỹ-WHO 'lời qua tiếng lại' về việc tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm hoãn tiêm nhắc lại vắc xin cho đến ít nhất là cuối tháng Chín. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại cho rằng đây là sự lựa chọn sai lầm.

Ảnh minh họa: Reuters

Khuyến cáo của WHO

“WHO đang kêu gọi các quốc gia ngừng tiêm mũi nhắc lại (cho những người đã tiêm đủ liều - PV) ít nhất là đến cuối tháng Chín, để tạo điều kiện cho việc tiêm chủng ít nhất 10% dân số của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Muốn đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần sự hợp tác của tất cả mọi người, đặc biệt là một số quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung cấp vắc xin trên toàn cầu”, ông Tedros nói trong cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Tư.

Tổng Giám đốc WHO cho biết thêm: “Trong khi hàng trăm triệu người vẫn đang chờ đợi được tiêm mũi vắc xin đầu tiên, thì một số quốc gia giàu có đã bắt đầu tiêm nhắc lại. Đến thời điểm hiện tại, hơn 4 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn cầu. Hơn 80% trong số đó là ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao, mặc dù họ chỉ chiếm chưa đến một nửa dân số thế giới."

Đức, Anh và Israel đều đã công bố kế hoạch thực hiện mũi tiêm nhắc lại cho một số nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Tedros cho biết ông hiểu mối quan tâm của tất cả các nước trong việc tăng cường miễn dịch, bảo vệ người dân khỏi biến thể Delta, nhưng “chúng ta không thể và không nên chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu giờ lại dùng nhiều hơn, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất thế giới vẫn không được bảo vệ.”

Hồi tháng Năm, ông Tedros đã kêu gọi sự chung tay của toàn cầu để tất cả các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào tháng Chín. Nhưng thời điểm hiện tại, khi hạn chót đang đến gần, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng, đại diện WHO nói.

Vào thời điểm tháng Năm, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm khoảng 50 liều vắc xin cho mỗi 100 người. Từ đó đến nay, con số đã tăng gấp đôi khi các nước này đã tiêm gần 100 liều vắc xin cho 100 người. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp mới chỉ tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người do thiếu nguồn cung.

“Chúng ta cần lập tức đảo ngược từ việc phần lớn vắc xin được chuyển đến các nước thu nhập cao, sang phần lớn vắc xin được chuyển đến các nước thu nhập thấp.”

Ông Tedros kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thực hiện các cam kết cụ thể để hỗ trợ các mục tiêu tiêm chủng toàn cầu của WHO, kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin ưu tiên COVAX và tất cả những người có ảnh hưởng ủng hộ lời kêu gọi ngừng tiêm mũi nhắc lại.

Nhà Trắng nói “sai lầm”

“Chúng tôi cảm thấy đó là một lựa chọn sai lầm, và chúng tôi có thể làm cả hai việc”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm thứ Tư, sau phát ngôn của ông Tedros.

“Tại Mỹ, chúng tôi có đủ nguồn cung để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với vắc xin," bà nói thêm. “Chúng tôi tin rằng mình có thể làm cả hai việc, và không cần phải lựa chọn ưu tiên việc nào hơn.”

Cũng theo bà Psaki, mặc dù Mỹ có khả năng tiêm liều tăng cường cho các công dân của mình, nhưng việc đó hiện chưa phải là một phần của kế hoạch.

“Những gì chúng tôi truyền đạt cho các quan chức trên toàn quốc, khi có người đã triển khai tiêm mũi nhắc lại ở một số nơi, là việc này chưa phù hợp với hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hay Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (FDA). Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng (để tiêm nhắc lại - PV) ngay khi FDA xác nhận sự cần thiết của việc này. Đó là lí do vì sao chúng tôi đặt hàng thêm vắc xin cách đây vài tháng.”

Theo Sputnik, chính phủ Mỹ đã mua tổng cộng 1,5 tỷ mũi tiêm từ nhiều nhà sản xuất vắc xin, đủ để cung cấp hai mũi tiêm cho 750 triệu người, trong khi dân số Mỹ chỉ là 330 triệu người.

Theo CDC Mỹ, 401 triệu mũi tiêm đã được chuyển đến các hiệu thuốc và cơ sở y tế trên toàn quốc, 347 triệu mũi trong số đó đã được tiêm. Nói cách khác, 192 triệu người Mỹ đã tiêm một liều vắc xin, và 165 triệu người đã tiêm cả hai mũi hoặc vắc-xin Johnson & Johnson một liều.

Trong khi Mỹ đã công bố quyết định mua 500 triệu vắc xin Pfizer tặng cho các quốc gia nghèo hơn trong năm tới, thì hồi đầu năm nay, nước này bị chỉ trích nặng nề vì "tích trữ" vắc xin. Các quốc gia khác, như Trung Quốc, đã tặng/bán ra nước ngoài lượng vắc xin nhiều không kém lượng vắc xin tiêm cho công dân nước mình.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-who-loi-qua-tieng-lai-ve-viec-tiem-nhac-lai-vac-xin-covid-19-post1362736.tpo