Mỹ xác nhận 21 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên du thuyền Grand Princess

Du thuyền Grand Princess - Nguồn: CNN

Ngày 6/3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo có 21 người trên du thuyền Grand Princess ngoài khơi bang California đã có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Pence cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch và sẽ thực hiện trong tuần này," đồng thời thông báo du thuyền trên sẽ được cập vào một cảng phi thương mại.

Theo thông báo, tất cả các hành khách đã được tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 và được cách ly cũng như chăm sóc y tế nếu cần thiết.

Trong tổng số 21 ca nhiễm vi rút trên du thuyền Grand Princess, có 19 thủy thủ đoàn và 2 hành khách. Hiện 24 hành khách còn lại có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và 1 người chưa có kết luận.

Trong một diễn biến khác có liên quan, các quan chức y tế bang Minnesota của Mỹ xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở bang này. Thông báo cho biết bệnh nhân trên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, tuy nhiên cần chờ thêm kết quả của từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Theo thông báo, bệnh nhân là một người lớn tuổi ở khu vực St.Paul, đã từng đi du lịch trên du thuyền Diamond Princess, nơi có nhiều người Mỹ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đó. Như vậy, trong ngày 6/3, bang Minnesota cùng các bang khác là Colorado, Nevada, New Jersey, Tennessee, Maryland và Texas đã xác nhận các trường hợp mới mắc bệnh COVID-19.

Cùng ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua gói ngân sách hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 trị giá 8,3 tỉ USD. Hơn 3 tỉ USD trong khoản ngân sách này sẽ được chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vắcxin, bộ thử vi rút SARS-CoV-2 dành cho các cơ quan y tế của địa phương, tiểu bang và liên bang nhằm đối với với dịch COVID-19.

Tại Pháp, theo Reuters, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jerome Salomon ngày 6/3 cho biết nước này đã ghi nhận 613 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tăng 190 ca so với một ngày trước đó. Trong cuộc họp báo, ông Jerome Salomon cho hay, số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại Pháp hiện vẫn là 9 trường hợp, trong khi đó 39 người đang được điều trị đặc biệt.

Trong khi đó, tại cuộc họp bất thường các bộ trưởng y tế được triệu tập bởi Hội đồng Y tế Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/3 nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza khẳng định các cuộc trao đổi giữa bộ trưởng y tế các nước EU trong những ngày gần đây đã làm nổi lên vấn đề là mặc dù giữa các nước đã có sự hợp tác mạnh mẽ, nhưng điều cần thiết hiện nay là sự hợp tác đó phải nhanh hơn và thiết thực hơn.

Ông Roberto Speranza nhấn mạnh các nước EU phải làm việc cùng nhau và không được “gây chiến” vì những rủi ro mang lại là việc tăng giá các thiết bị y tế. Cũng tại cuộc họp bất thường của Hội đồng Ngoại trưởng EU tại Zagabria (Croatia) diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio khẳng định điều quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 lúc này là sự chia sẻ các thông tin về y tế, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguy cơ lây nhiễm.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ là vấn đề của một quốc gia nào mà là vấn đề của toàn EU và có tác động trên phạm vi toàn cầu, cả về kinh tế và sức khỏe người dân. Ông Di Maio cũng nhấn mạnh Ý xứng đáng được tôn trọng và được hỗ trợ tối đa, đồng thời không chấp nhận bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với người dân Ý.

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố số liệu liên quan tới dịch COVID-19,tính đến 18 giờ ngày 6/3 (giờ địa phương), số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại quốc gia này hiện là 3.916 trường hợp (tăng 18,8% so với ngày 5/3), số ca tử vong tăng lên 197 (tăng 33,1%), trong khi đó tổng số ca hồi phục là 523 trường hợp (tăng 26,3%).

Tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Ý đến nay là 4.636 trường hợp (tăng 20,2% so với ngày 5/3). Lombardia vẫn là vùng tâm dịch lớn nhất tại Ý với 2.612 ca nhiễm được ghi nhận. Trong số các ca dương tính với vi rút tại Ý, có 2.394 trường hợp phải nhập viện (tăng 34%), 462 trường hợp phải điều trị đặc biệt (tăng 31,6%) và có 1.060 trường hợp đang được cách ly tại nhà (giảm 8,2%).

Ngày 6/3, kinh đô điện ảnh Bollywood ở Ấn Độ thông báo hoãn tổ chức lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh quốc tế Ấn Độ (IIFA), còn gọi là giải Oscar của Bollywood, do lo ngại dịch bệnh COVID-19 lan rộng.

Theo ban tổ chức, lễ trao giải IIFA dự kiến diễn ra ở thành phố Indore vào ngày 27-29/3 tới đã bị hoãn do "những quan ngại ngày càng gia tăng" về sự lây lan của dịch COVID-19, cũng như nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của những người hâm mộ điện ảnh và cộng đồng nói chung. Thời điểm tổ chức lễ trao giải IIFA sẽ sớm được công bố.

Với gần 1.800 bộ phim công chiếu trong năm 2018, Ấn Độ hiện có ngành sản xuất phim ảnh lớn nhất thế giới tính theo số lượng phim được sản xuất, đồng thời là nước xuất khẩu phim ảnh lớn. Quyết định hoãn lễ trao giải IIFA được đưa ra sau khi Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo người dân tránh tham dự các sự kiện tụ tập đông người do lo ngại dịch COVID-19.

Nhiều hội nghị và sự kiện công cộng dự kiến diễn ra trong tuần tới ở Ấn Độ đã bị hoãn lại trong những ngày gần đây. Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 30 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Cùng ngày, ban tổ chức giải đua xe đạp Milan-San Remo ở Ý đã quyết định hoãn vô thời hạn sự kiện này do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giải đua dự kiến diễn ra vào ngày 21/3 tới. Trong khi đó, giải đua xe Tirreno-Adriatico kéo dài 1 tuần và dự kiến diễn ra tuần tới cũng bị hoãn lại.

Trước đó một ngày, ban tổ chức giải chạy Paris Marathon, theo kế hoạch diễn ra ngày 5/4 tới tại Pháp với hơn 60.000 người đăng ký tham gia, đã thông báo hoãn sự kiện này đến ngày 18/10 do bùng phát dịch COVID-19.

Ngày 6/3, Bộ Y tế Costa Rica đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại quốc gia này. Bộ trưởng Y tế Costa Rica Daniel Salas cho biết 2 trường hợp trên trước đó đi du lịch tại Ý và Tunisia và quay trở về Costa Rica vào ngày 29/2 vừa qua.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã liên hệ với hãng hàng không để có thông tin về 157 hành khách và phi hành đoàn trên cùng chuyến bay với 2 bệnh nhân trên nhằm đưa ra các biện pháp theo dõi và cách ly cần thiết.

Costa Rica là quốc gia thứ 8 tại Mỹ Latin có người dương tính với SARS-CoV-2, sau Brazil, Mexico, Ecuador, Cộng hòa Dominicana, Chile, Argentina và Peru.

Cũng trong ngày 6/3, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lẫy nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 13 người.

Thống kê chính thức của cơ quan y tế Brazil cho biết số trường hợp nhiễm bệnh tập trung chủ yếu tại Sao Paulo, nơi phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên, với 10 người, và số còn lại tại các bang Espirito Santo (1 người), Rio de Janeiro (1 người) và Bahia (1 người). Ngoài ra, hiện có 768 trường hợp nghi nhiễm với các triệu chứng liên quan đang được cách ly theo dõi.

Giới chức y tế xác định ít nhất hai trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Sao Paulo có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đầu tiên, người bị nhiễm bệnh sau khi trở về từ Ý, qua đó cho thấy việc lây nhiễm trong cộng đồng đã bắt đầu bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong khi đó, Argentina cũng đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19 từ nước ngoài trở về nước chỉ hai ngày sau khi ca đầu tiên được công bố, trong đó có 4 bệnh nhận ở thủ đô Buenos Aires trong độ tuổi từ 44 đến 72 tuổi, một phụ nữ 63 tuổi ở tỉnh Buenos Aires và 1 nam giới 57 tuổi ở tỉnh Cordoba. Như vậy, đến nay Argentina đã xác định 8 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Giới chức y tế nước này kêu gọi người dân không nên hoang mang, tăng cường các biện pháp tự bảo vệ và nếu ai có triệu chứng sức khỏe khác thường liên quan tới đường hô hấp thì báo cho tổng đài dịch tễ để có các biện pháp kiểm tra phù hợp chứ không nên tự đến các cơ sở y tế, qua đó giảm thiểu khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235895/my-xac-nhan-21-ca-nhiem-sars-cov-2-tren-du-thuyen-grand-princess.html