Mỹ xây dựng hàng rào thuế quan mới: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sôi động với hàng loạt thay đổi về chính sách, tạo ra những thay đổi sâu sắc với các ngành sản xuất của xứ Cờ hoa.

Các biện pháp thuế quan mới, cùng với việc điều chỉnh ưu đãi và trợ cấp đã mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp.

Lắp ráp ô tô của Hãng Ford tại nhà máy ở Michigan (Mỹ).

Lắp ráp ô tô của Hãng Ford tại nhà máy ở Michigan (Mỹ).

Trong hai tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp công bố hoặc đe dọa áp thuế với các đối tác. Theo thông báo mới nhất của ông chủ Nhà Trắng, các mặt hàng ô tô, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn từ ngày 2-4 có thể chịu thuế 25% khi nhập vào Mỹ. Nhà Trắng còn tìm cách đàm phán lại các khoản tài trợ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, đồng thời phát tín hiệu trì hoãn giải ngân cho ngành bán dẫn.

Mặc dù gây nhiều tranh cãi, nhưng việc sử dụng công cụ "mạnh" là thuế quan được Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ coi là chính sách cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, đảo ngược dòng chảy sản xuất rời Mỹ hàng chục năm qua, tạo thêm việc làm mới và giảm thâm hụt thương mại. Đây là sự nối dài quan điểm "America First" (nước Mỹ trước hết) của nhà lãnh đạo Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, biểu hiện qua việc thúc đẩy các chiến lược bảo vệ và tăng cường nền sản xuất trong nước.

Bên cạnh áp lực, Tổng thống Mỹ cũng đã có những tính toán theo hướng khuyến khích và hỗ trợ. Đơn cử, khi đưa ra quan điểm về áp thuế với sản phẩm bán dẫn, ô tô và dược phẩm, ông chủ Nhà Trắng không đưa ra ngày áp thuế chính xác, nhằm cho các doanh nghiệp có thêm thời gian lên kế hoạch mở nhà máy tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump cũng ký sắc lệnh nới lỏng các quy định về môi trường để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất.

Những biến động nêu trên ngay lập tức tác động tới các nhà sản xuất, buộc họ phải xem xét lại chuỗi cung ứng và chiến lược phát triển.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Hãng General Motors (GM) bắt đầu cân nhắc di dời một số nhà máy để giảm thiểu chi phí nếu thuế quan tại Mỹ là “vĩnh viễn”. Ford thậm chí trì hoãn việc ra mắt mẫu xe tải F-150 mới đến năm 2028 để cân đối lại chuỗi cung ứng. Stellantis và Nissan cũng đang đánh giá lại hoạt động sản xuất tại Mỹ, trong bối cảnh phần lớn xe bán ra tại Mỹ được nhập khẩu từ Canada và Mexico - cũng là những quốc gia có nguy cơ bị áp thuế cao.

Trong lĩnh vực bán dẫn, để đối phó với các thay đổi từ thuế quan, nhiều công ty đã thay đổi chiến lược, tăng cường đầu tư vào sản xuất tại Mỹ. Hướng tiếp cận này được thúc đẩy nhờ các chính sách hỗ trợ mà Washington đã triển khai, bao gồm các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất chíp trong nước.

Đối với lĩnh vực dược phẩm, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Eric Dor (Trường Quản lý Ieseg ở Paris và Lille, Pháp) cho rằng, đây là tin rất xấu với một số nước châu Âu, trong đó có Bỉ. Hiện tại, Mỹ hấp thụ gần 25% lượng xuất khẩu của ngành Dược phẩm Bỉ.

Những biến động lần này cũng là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc các ngành công nghiệp của nước Mỹ. Các công ty có thể đầu tư vào tự động hóa và công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thể chú trọng việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nếu các công ty Mỹ thích ứng với yêu cầu “xanh”, họ có thể cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, dịch chuyển sản xuất về nội địa cũng tạo ra cơ hội việc làm mới, đồng thời cho phép Mỹ giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng toàn cầu và bảo đảm an ninh kinh tế...

Tuy vậy, cũng có những mối quan ngại phát sinh, bởi việc áp dụng thái quá các biện pháp bảo vệ và rào cản thương mại có thể dẫn đến sự cô lập kinh tế, làm giảm sự cạnh tranh. Giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng cao, đẩy chi phí sản xuất và gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải dựa vào nguyên liệu từ nước ngoài.

Hãng GM cho biết, đang xem xét các biện pháp để duy trì giá cả hợp lý cho khách hàng; trong khi Ford cảnh báo thuế quan có thể dẫn đến "chi phí và hỗn loạn". Một số quan điểm cũng cho rằng, chính sách thuế có thể gây ra những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác. Các quốc gia có thể trả đũa, dẫn đến cuộc chiến thương mại và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Dưới tác động đa chiều của những chính sách mới, doanh nghiệp xứ Cờ hoa cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên đất Mỹ sẽ phải tìm cách thích ứng để duy trì sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/my-xay-dung-hang-rao-thue-quan-moi-doanh-nghiep-tim-cach-thich-ung-693867.html