Myanmar có thể vào danh sách đen của cơ quan quản lý tài chính toàn cầu FATF
Myanmar có khả năng bị cơ quan giám sát tài chính toàn cầu đưa vào danh sách đen vì không ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đây sẽ là một đòn chí mạng giáng vào nền kinh tế đang thiếu hụt ngoại tệ và vận hành rất ì ạch.
Quyết định này dự kiến sẽ thông qua tại Paris trong cuộc họp của các thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) vào tháng 10 tới, 4 quan chức chính phủ phương Tây và châu Á nói với Nikkei Asia.
Thành viên thứ ba trong danh sách đen
Đặt trụ sở tại Paris, FATF được nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) thành lập năm 1989 để chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các rủi ro tương tự đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Hiện chỉ 2 nước nằm trong danh sách đen của FATF: Triều Tiên và Iran. Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định khả năng Myanmar bị liệt vào danh sanh đen rất cao và “điều này rất nghiêm trọng”. Ông nói rằng, báo cáo tiến độ về việc Myanmar tuân thủ các
yêu cầu của FATF được trình lên vào tháng 7 và cơ quan giám sát của FATF đã nghiên cứu báo cáo này trong tháng 8.
“Hãy nhìn vào Ngân hàng Trung ương Myanmar và các quan chức điều hành của ngân hàng này. Họ đều là những tướng tá hải quân. Họ yếu kém và tệ hơn cả những người đã làm việc trong giai đoạn từ năm 2011 trở về trước”, nhà ngoại giao này nói.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao châu Á có tham gia FATF nói rằng nhóm đánh giá hợp tác quốc tế của FATF đang cân nhắc về quyết định này. Có khả năng nhóm sẽ đưa Myanmar vào danh sách đen trong cuộc họp tháng 10 tới vì nước này không đáp ứng các tiến độ đòi hỏi. Ông nói sự trì trệ, thiếu tiến bộ của chính quyền sẽ buộc phiên họp toàn thể của FATF phải đưa ra quyết định khó khăn.
“Xét chính sách của chính phủ Myanmar đối với ASEAN gần đây, nếu các thành viên FATF đồng thuận đưa Myanmar vào danh sách đen, tôi không nghĩ Singapore là chủ tịch đương nhiệm FATF sẽ cản đường”, nhà ngoại giao trên phân tích. Ông lưu ý rằng các quyết định của FATF dựa trên sự đồng thuận và thường cần ít nhất ba thành viên để ngăn cản một quyết định nào đó.
Dự trữ ngoại tệ bị suy kiệt
Tác động của việc đưa vào danh sách đen có thể bị hạn chế do dòng vốn đã rời khỏi
Myanmar, nhưng dù dòng chảy có nhỏ cũng làm suy kiệt nguồn dự trữ ngoại tế khiêm tốn của Myanmar. Đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Myanmar nói sẽ bơm thêm 200 triệu đô la vào thị trường ngoại hối, nhằm kềm chế lạm phát gia tăng do tác động của giá xăng dầu.
Việc dán nhãn đen sẽ làm xấu thêm khả năng thu hút hoặc giữ chân nhà đầu tư nước ngoài vốn đang rút dần khỏi Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2-2021. Đồng kyat của Myanmar đã mất khoảng 60% giá trị so với đồng đô la trong năm nay, chạm mức thấp kỷ lục và có thể giảm thêm. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2021 cũng đạt mức thấp nhất kể từ khi Myanmar mở cửa năm 2011.
Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, sự không hài lòng hay phản ứng mạnh của các nhà đầu tư, tình trạng mất điện nghiêm trọng và các chính sách buộc chuyển đổi ngoại tệ sang đồng kyat đã khiến dòng vốn đầu tư ít ỏi vào Myanmar đang chảy trở ra. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Myanmar sẽ trì trệ trong năm nay sau khi giảm gần 20% vào năm 2021, riêng Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính 1,6 triệu việc làm đã bị mất vào năm ngoái.
“Việc Myanmar bị FATF đưa vào danh sách đen cùng với Triều Tiên và Iran sẽ khiến các tổ chức tài chính nước ngoài phải chịu rủi ro bổ sung, điều này sẽ làm tăng thêm khó khăn và chi phí liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới. Myanmar sẽ bị cô lập và chịu nhiều biện pháp trừng phạt hơn trước”, nhà nghiên cứu Romain Caillaud tại Viện nghiên cứu ISEAS- Yusof Ishak của Singapore nói.
Doanh nghiệp đang lo lắng
Giới doanh nghiệp ở Yangon cho rằng việc bị đưa vào danh sách đen sẽ khiến việc mở hoặc duy trì tài khoản ngân hàng hoặc truy cập các dịch vụ tài chính đối với các giao dịch quốc tế trở nên khó khăn hơn nhiều.
Về lý thuyết, FATF bắt buộc các ngân hàng, định chế tài chính tại Myanmar phải bổ sung các báo cáo phức tạp trong các giao dịch tài chính quốc tế giữa của nước này với bên ngoài.
Thay vì thực hiện các thủ tục giấy tờ bổ sung cho “thẩm định nâng cao” cần thiết đối với một quốc gia nằm trong danh sách đen của FATF, hầu hết các ngân hàng và dịch vụ tài chính quốc tế sẽ từ chối phục vụ các khách hàng từ Myanmar.
“Với mức lạm phát từ 17,7% trở lên và đồng kyat giảm hơn 60% giá trị trước cuộc đảo
chính, chính quyền đang mất khoảng 131 tỉ kyats, tương đương 62 triệu đô la, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền điện. Số tiền này thậm chí còn không bao gồm việc truyền tải, chi phí phân phối và tài chính”, theo cựu cố vấn chính phủ Guillaume de Langre, cựu cố vấn chính phủ.
Ông cũng cho biết rằng tình trạng điều hành nền kinh tế đang rối ren. “Các bộ đang đe dọa kiện nhau về các khoản nợ chưa trả, đặc biệt là các khoản nợ lớn vay của nước ngoài đổ vào cơ sở hạ tầng. Myanmar cần ổn định tiền tệ và nền kinh tế ngay lập tức. Nếu không các chủ nợ sẽ gây áp lực đòi tiền mạnh hơn”, vị cựu cố vấn giải thích.
Một chủ ngân hàng cấp cao ở Myanmar lo ngại rằng việc lọt vào danh sách đen sẽ khiến việc thiết lập hoặc duy trì các mối quan hệ tài chính với các ngân hàng quốc tế trở nên khó khăn hơn.
“Các công ty không tuân thủ, điều hành một cách có trách nhiệm sẽ không được cộng đồng tài chính quốc tế chấp nhận. Nhưng vấn đề hiện tại là những công ty uy tín và đàng hoàng cũng bị vạ lây”, ông nói.
Theo Sipa/AP
Ricky Hồ