Na Rì bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát đám cưới người Tày (Quan làng – Pả mè)
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì vừa phối hợp với UBND thị trấn Yến Lạc bế mạc lớp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát đám cưới người Tày (Quan làng – Pả mè) năm 2024.
Tham gia lớp học có 20 người là quần chúng nhân dân yêu thích điệu hát Quan làng - Pả Mè tại thị trấn Yến Lạc. Qua lớp học này các học viên sẽ được học các làn điệu, các bài đối đáp do Nghệ nhân ưu tú Nông Minh Cương và bà Phan Thị Xuyến trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt.
Trong quá trình truyền dạy, các nghệ nhân và học viên sẽ tái hiện lại hoạt cảnh về hát Quan làng - Pả mè trong đám cưới của người Tày xưa.
Hát Quan làng - Pả mè là điệu hát được dùng trong đám cưới của dân tộc Tày đã có từ xa xưa. Đó là những bài hát tồn tại trong dân gian một cách dân dã, được nhiều người biết và thuộc các bài hát quan làng, nhưng không thể diễn xướng một cách tự do, tùy tiện mà phải theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định.
Hát Quan làng - Pả mè thường được chia làm ba cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát có nội dung chỉ bảo lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy con người việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ.
Những làn điệu hát Quan làng - Pả mè chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng, nghi lễ cưới hỏi, tình yêu đôi lứa, đề cao giá trị đạo đức lối sống, thể hiện tính nhân văn cao cả. Đây chính là nguồn động viên sâu sắc, sức mạnh tinh thần giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Những người hát Quan làng - Pả mè là những người đại diện cao nhất của họ nhà trai cũng như nhà gái, thay mặt bố, mẹ và họ hàng ứng xử mọi việc, làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu, cau đến nhà gái thực hiện từ nghi thức dạm hỏi, chuẩn bị đồ sính lễ cho đến khi đón dâu về.
Hiện nay, Hát Quan làng – Pả mè của dân tộc Tày tại huyện Na Rì nói riêng và toàn tỉnh Bắc Kạn nói chung đang có nguy cơ bị mai một, vì vậy nét văn hóa truyền thống độc đáo này cần được bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa rộng rãi hơn đến những thế hệ sau. Thông qua lớp bảo tồn sẽ lưu giữ được các làn điệu, bài hát, lối đối đáp để tuyên truyền trong cộng đồng, vận dụng thực hành trong đời sống xã hội, gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp lâu đời của dân tộc Tày./.