Nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
Tại Việt Nam, nền công nghiệp văn hóa đang được kỳ vọng để phát triển và vươn tầm thế giới.
Thời gian gần đây, khái niệm “toàn cầu hóa” được nói đến nhiều. Tại Việt Nam, nền công nghiệp văn hóa đang được kỳ vọng để phát triển và vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta chọn cái gì để quảng bá, quảng bá bằng cách nào và ai sẽ là người thực hiện công việc này?
Truyền bá văn hóa bằng âm nhạc
Trong những năm gần đây, thị trường âm nhạc chứng kiến sự trỗi dậy của các thể loại nhạc EDM, rap/hiphop, indie… Nhờ sự phát triển của công nghệ và các kênh phương tiện truyền thông, mạng xã hội, nhiều ca khúc Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của bạn bè trên khắp thế giới.
Những hiện tượng âm nhạc “bùng nổ” có thể kể tới như “See tình” của Hoàng Thùy Linh bất ngờ tạo nên “cơn sốt” tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Bản nhạc của Hoàng Thùy Linh còn được phát trong các chương trình truyền hình của Trung Quốc và các chương trình âm nhạc cuối năm ở Hàn Quốc.
Nhiều khán giả đánh giá, “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh là một ca khúc hiện đại, trẻ trung với phần hình ảnh độc đáo, mang đậm chất dân gian. Hoàng Thùy Linh từng tạo dấu ấn khi có nhiều tác phẩm khai thác chất liệu văn học như “Bánh trôi nước”, “Kẽo cà kẽo kẹt”... Chính nhờ sự độc đáo của sản phẩm mang yếu tố văn hóa dân gian kết hợp với hiện đại đã tạo nên sự thành công của ca sĩ trẻ.
Đặc biệt, bản hit “Để Mị nói cho mà nghe”, ngoài truyền tải những hình ảnh văn hóa vùng Tây Bắc, Hoàng Thùy Linh đã khéo léo lồng ghép vào MV các tác phẩm văn học quen thuộc như: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ nhặt, Lão Hạc.
Âm nhạc sử dụng nhạc dân gian, kết hợp với rap và nhạc điện tử bắt tai khiến người hâm mộ ấn tượng. Điều này cho thấy sức hút từ những tác phẩm kết hợp yếu tố truyền thống và đương đại là rất lớn.
Không chỉ “See tình”, nhiều sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt từng bước tiếp cận với khán giả quốc tế. “Ngẫu hứng”, “Dạ vũ”, “Hai phút hơn”… cũng được khán giả tại các quốc gia trên thế giới đón nhận nhiệt tình. Các chuyên gia nhận định, những ca khúc tạo cơn sốt quốc tế đều có giai điệu bắt tai, lôi cuốn và ca từ dễ nghe, dễ thuộc, vũ đạo và trang phục được đầu tư, và một ê-kíp sáng tạo trẻ trung, chuyên nghiệp.
Trong thời đại 4.0, người trẻ bị thu hút bởi các vấn đề xã hội nên đa phần các ca khúc này đều được sử dụng lồng vào video hoặc những câu chuyện. Dù được ra đời hoàn chỉnh trên YouTube song chúng lại được biết đến nhiều nhất thông qua các nền tảng chia sẻ clip ngắn. Bởi vậy, chỉ từ một câu hoặc một đoạn điệp khúc đã khiến khán giả “phát sốt”. Đó là tín hiệu cho thấy nhạc Việt đang bắt kịp xu hướng.
Đặt niềm tin vào lớp trẻ
Thấu hiểu và mong mỏi đưa âm nhạc, văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, TS Đào Minh Quang – hiện sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức, đã sáng lập ra Quỹ Đào Minh Quang với mục tiêu tài trợ cho những tài năng trẻ và các hoạt động tại Việt Nam. Quỹ cũng góp phần khuyến khích các hoạt động hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Đức, đặc biệt ở các lĩnh vực giáo dục, âm nhạc và văn hóa.
“Âm nhạc mang đến cho tôi rất nhiều nguồn cảm hứng trong cuộc sống, đem lại nhiều cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với những người cùng đam mê. Qua đó, tôi thấy rằng âm nhạc là phương tiện hiệu quả để truyền bá văn hóa, kéo gần khoảng cách giữa người với người. Vì vậy, năm 2016 tôi thành lập quỹ từ thiện và công ích mang tên mình tại CHLB Đức”, TS Đào Minh Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, thế hệ trẻ phát triển bền vững thì mới tạo ra được xã hội bền vững. Thông qua 5 lĩnh vực khuyến khích: Giáo dục, đào tạo, lập nghiệp và khởi nghiệp, âm nhạc và văn hóa, ông muốn tạo động lực cho thế hệ trẻ, cho những người có lòng dũng cảm muốn thay đổi cuộc đời mình qua việc đào tạo, học tập, lập nghiệp, văn hóa và âm nhạc, đặc biệt là làn điệu dân ca Việt.
Những năm qua, Quỹ Đào Minh Quang đã trao rất nhiều học bổng và các giải thưởng cho các học sinh và sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Quỹ cũng hỗ trợ các tài năng âm nhạc và tài trợ cho các dự án âm nhạc và chương trình hòa nhạc Đức - Việt Nam, cũng như cho các dự án trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước. Qua đó, mong muốn truyền động lực cho các bạn trẻ nỗ lực trong học tập để tự đứng vững trên đôi chân của mình, có tương lai tươi sáng hơn.
Mới đây, Quỹ Đào Minh Quang đã công bố trao học bổng trọn đời cho một tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là em Cao Phú Quý - học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Thái Tổ (Hà Nội). Phú Quý cũng đang theo học hệ trung cấp 9 năm chuyên ngành Piano năm thứ 4 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
“Quỹ hướng đến những tài năng âm nhạc trẻ đầy triển vọng, cần được khai thác, bồi dưỡng và chăm sóc. Quỹ muốn khích lệ và hướng tới đào tạo một con người toàn diện, đầu tiên học làm người, sau là học nghề và có tâm hồn âm nhạc để cống hiến cho nền văn hóa nước nhà.
Sự giao lưu văn hóa mang lại cho người Việt cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, từ đó, làm phong phú thêm vốn kiến thức và tầm hiểu biết về thế giới xung quanh.
Thực tế, còn rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam có tài năng nhưng chưa được phát hiện, khuyến khích. Việc trao học bổng trọn đời là một ví dụ điển hình để khích lệ các bạn trẻ khác phát triển tài năng, để trở thành ngôi sao không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra quốc tế, mang văn hóa và âm nhạc Việt Nam ra giới thiệu với bạn bè nước ngoài”, ông Đào Minh Quang chia sẻ.
Theo các chuyên gia nhận định, để nhạc Việt có chỗ đứng vững vàng trên thế giới còn là hành trình dài. Việt Nam cần có những chiến lược đúng đắn, dài hơi và bài bản. Ngoài những yếu tố khách quan thì điều quan trọng và cốt lõi vẫn là năng lực của người nghệ sĩ. Vì vậy cần chú trọng phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong nước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-quang-ba-van-hoa-viet-nam-ra-the-gioi-post708465.html