Na Tra 2 thu hơn 53.000 tỷ đồng, vũ trụ thần thoại Trung Hoa được mở rộng với Tây Du Ký
Thành công của bom tấn hoạt hình Na Tra cho thấy sức hút mạnh mẽ và đầy tiềm năng của vũ trụ thần thoại Trung Hoa.
Từ một bộ tiểu thuyết cổ điển mang đậm màu sắc Phật giáo và Đạo giáo, Tây Du Ký – một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa – đang trải qua cuộc "tái sinh" mạnh mẽ trên sân khấu toàn cầu. Mới đây, tại Triển lãm phim quốc tế Hong Kong, công ty giải trí Stars Collective (Mỹ) bất ngờ công bố kế hoạch sản xuất loạt phim hoạt hình ba phần dựa trênTây Du Ký, mở ra một chương mới cho hành trình "xuất khẩu" văn hóa thần thoại phương Đông.

Loạt phim hoạt hình ba phần dựa trên Tây Du Ký sắp được sản xuất. Ảnh: X
Mỹ làm phim hoạt hình về Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Na Tra
Dự án gồm ba phần riêng biệt, mỗi phần tập trung khai thác một nhân vật nổi bật trong thế giới thần thoại Trung Hoa: Bát Giới, Mỹ Hầu Vương (Tôn Ngộ Không) và Na Tra. Thay vì kể lại hành trình thỉnh kinh đã quen thuộc, ba phần phim sẽ đi sâu vào chiều sâu tâm lý, bi kịch cá nhân và sự chuyển hóa nội tâm của từng nhân vật, hứa hẹn đem đến cách nhìn mới lạ và đầy nhân văn.
Phim ứng dụng AI và công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture) nhằm xây dựng một thế giới thần thoại siêu thực nhưng vẫn mang đậm bản sắc phương Đông. Nhà sáng lập Peter Luo của Stars Collective cho biết: “Chúng tôi không chỉ chuyển thể một tác phẩm kinh điển mà còn muốn tái định nghĩa cách thần thoại phương Đông được kể trên sân khấu toàn cầu.”

Dự án gồm ba phần, mỗi phần khai thác một nhân vật nổi bật trong thế giới thần thoại Trung Hoa: Bát Giới, Mỹ Hầu Vương (Tôn Ngộ Không) và Na Tra. Ảnh: X
Theo tiết lộ, phần phim về Trư Bát Giới sẽ tập trung vào hành trình từ Thiên Bồng Nguyên Soái bị giáng trần, rơi vào kiếp lợn – biểu tượng của lòng tham, nhưng dần trở thành hình tượng trung thành và hi sinh. Trong khi đó, phần về Mỹ Hầu Vương khai thác trận chiến giữa Tôn Ngộ Không và Lục Nhĩ Mỹ Hầu – một phép chiếu đầy ẩn dụ cho quá trình tự đối diện, từ ngạo mạn thành giác ngộ. Còn Na Tra sẽ tái hiện bi kịch "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" qua lăng kính thiền học, kết hợp võ thuật đặc trưng "ba đầu sáu tay".
Văn hóa thần thoại Trung Hoa ngày càng được thế giới quan tâm
Thông tin về dự án này không đến trong khoảng trống. Thần thoại Trung Hoa đã và đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt qua các sản phẩm giải trí gần đây. Trong lĩnh vực game, Hắc Thần Thoại: Ngộ Không (Black Myth: Wukong) trở thành hiện tượng quốc tế ngay khi ra mắt. Trò chơi thu hút hơn một triệu người chơi chỉ sau một giờ phát hành, đạt doanh thu hơn 1,25 tỷ USD (khoảng 31.250 tỷ đồng). Trên các diễn đàn quốc tế, người chơi lập cả tài liệu 200 trang phân tích kỹ năng và xuất thân của Tôn Ngộ Không, cho thấy sự tò mò lớn đối với văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Na Tra 2 là “cú nổ” không thể bỏ qua. Phim không chỉ thu về hơn 2 tỷ USD (khoảng 53.000 tỷ đồng) toàn cầu mà còn cháy vé IMAX tại hơn 700 rạp Bắc Mỹ. Điều đáng nói, đây là thành công của một tác phẩm gốc châu Á, khai thác hình tượng nhân vật gắn liền với văn hóa nội địa – Na Tra – nhưng lại chạm tới cảm xúc phổ quát bằng cách kể chuyện hiện đại và kỹ thuật đỉnh cao.

Na Tra 2 là “cú nổ” không thể bỏ qua khi thu về hơn 2 tỷ USD (khoảng 53.000 tỷ đồng) toàn cầu. Ảnh: X
Khi phương Tây "mượn" thần thoại Đông phương
Việc một công ty Mỹ quyết định sản xuất loạt phim về Tây Du Ký là tín hiệu rõ ràng về sức hút toàn cầu của văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, đây cũng là một bước ngoặt quan trọng: thay vì chỉ chuyển ngữ hay phân phối, phương Tây đang bắt đầu “mượn hình tượng, mượn cốt truyện” để kể lại theo cách của họ – với công nghệ tiên tiến và ngôn ngữ hình ảnh đậm chất Hollywood.
Điều này tạo ra cơ hội và cũng là thách thức. Cơ hội là sự lan tỏa văn hóa rộng lớn chưa từng có, đưa thần thoại Trung Hoa đến với thế hệ trẻ toàn cầu qua hoạt hình, game, phim ảnh. Nhưng cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: liệu bản sắc gốc của thần thoại có bị “làm loãng” trong quá trình toàn cầu hóa?


Vũ trụ thần thoại Trung Hoa mở rộng sang mảng hoạt hình. Ảnh: X
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng “vũ trụ thần thoại Trung Hoa” đang ngày càng được mở rộng, và không còn bị giới hạn trong biên giới địa lý hay rào cản ngôn ngữ. Từ Na Tra, Ngộ Không, đến Trư Bát Giới, những nhân vật từng là ký ức tuổi thơ của khán giả Á Đông giờ đây đang từng bước trở thành biểu tượng văn hóa toàn cầu, đại diện cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây.