Na Uy chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam nuôi trồng thủy sản

Na Uy và Việt Nam đã hợp tác trong lĩnh vực thủy sản gần 40 năm, hiện có hơn 10 DN Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam về phát triển con giống, nuôi biển công nghiệp, thức ăn cho cá, chế biến cá hồi.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 5/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phòng Thương mại-Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, phối hợp với Cục thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển."

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken cho biết Na Uy và Việt Nam đã hợp tác trong lĩnh vực thủy sản gần 40 năm. Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên năm 2003 và các văn bản kèm theo; hỗ trợ điều tra nguồn lợi thủy sản; các dự án và hoạt động nâng cao năng lực trong lĩnh vực thủy sản.

Năm 2022, chương trình đào tạo 100 học viên là nông dân, công nhân ngành nuôi trồng thủy sản biển.

Hiện, có hơn 10 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này từ phát triển con giống, cung cấp các phương tiện và giải pháp công nghệ cho hoạt động nuôi biển công nghiệp, thức ăn cho cá, chế biến cá hồi, chế biến phụ phẩm thủy sản, sản xuất thiết bị và xuất khẩu hải sản.

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Na Uy (đạt 17% GPD) chỉ sau dầu mỏ và khí đốt. Ngành này đã trở thành một ngành công nghiệp với năng suất cao và chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo việc làm cho hàng nghìn người trong các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển.

Việc đổi mới sáng tạo và phát triển những loại hình công nghệ mới là chìa khóa đảm bảo sự thành công trong tương lai. Đây là dịp để các chuyên gia Na Uy chia sẻ kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản, phương pháp nuôi biển vừa bền vững vừa hài hòa; cần quy hoạch không gian biển, cần có sự hợp tác và quy hoạch hợp lý.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Theo ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả ''Đề án thí điểm Phát triển Nuôi biển Công nghệ cao'' tại Khánh Hòa theo hướng tăng năng suất, giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội.

Tỉnh hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung.

Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Trong khi đó, Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển Nuôi trồng Thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021 nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi xa bờ, phát triển nuôi cá quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/na-uy-chia-se-kinh-nghiem-ho-tro-viet-nam-nuoi-trong-thuy-san-post866546.vnp