Na Uy phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu, lật đổ thống trị của Trung Quốc?

Việc một công ty khai thác phát hiện ra trữ lượng đất hiếm (REE) lớn nhất châu Âu có thể làm mất đi vị thế thống trị của Trung Quốc đối với các vật liệu được sử dụng để chế tạo một loạt các thành phần công nghệ và quân sự quan trọng, theo Newsweek.

Mới đây, Công ty khai mỏ đất hiếm Rare Earths Norway của Na Uy cho biết đã phát hiện được mỏ đất hiếm có trữ lượng đã được xác minh lớn nhất tại châu Âu. Công ty này khẳng định đây là “một tài sản thực sự có thể củng cố chuỗi giá trị đất hiếm an toàn cho châu Âu”.

Chia sẻ với Newsweek, ông Alf Reistad, giám đốc điều hành Rare Earths Norway, cho hay: “Tham vọng của chúng tôi là đáp ứng 10% nhu cầu của châu Âu đối với đất hiếm liên quan đến nam châm (NdPr) trong giai đoạn đầu hoạt động". Những đất hiếm như được sử dụng trong các ứng dụng công nghệ cao, bao gồm động cơ xe điện, tua-bin gió và hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác.

Một mỏ khoáng sản đất hiếm ở tỉnh Western Cape Town của Nam Phi (Anhr: RODGER BOSCH/AFP/GETTY IMAGES

Một mỏ khoáng sản đất hiếm ở tỉnh Western Cape Town của Nam Phi (Anhr: RODGER BOSCH/AFP/GETTY IMAGES

Khu phức hợp Fen Carbonatite, cách Oslo khoảng 70 dặm về phía tây nam, được cho là chứa khoảng 8,8 megaton oxit đất hiếm. Khoảng 1,5 megaton được cho là đất hiếm liên quan đến nam châm, rất quan trọng cho việc sản xuất tuabin gió và xe điện.

Tổ chức Rare Earths Na Uy cho biết: “Việc thăm dò, phát triển công nghệ mới và khai thác thử nghiệm sẽ dẫn đến quyết định đầu tư trị giá 10 tỷ NOK (943 triệu USD) để phát triển giai đoạn khai thác đầu tiên vào năm 2030”.

Theo lộ trình được chia sẻ với Newsweek, công ty dự báo khối lượng sản xuất là 2.000 tấn đất hiếm NdPr, tương đương khoảng 10% nhu cầu ước tính của châu Âu vào năm 2030. Tuy nhiên, điều này vẫn “phụ thuộc vào việc giảm thiểu rủi ro tài chính trong giai đoạn 2024-2026 và tiến độ giải quyết thủ tục cấp phép."

Mục tiêu sản xuất sẽ tăng lên 10.000 tấn, tương đương khoảng 30% nhu cầu của châu Âu vào năm 2045.

Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (Critical Raw Materials Act), có hiệu lực vào ngày 23/5, nhằm cải thiện khả năng tự túc của khối đối với các khoáng chất cần thiết để sản xuất pin xe điện và các công nghệ xanh khác. Dự thảo luật nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc bằng cách đáp ứng 10% nhu cầu khai thác trong nước và 40% nhu cầu chế biến vào năm 2030. Dù Na Uy không phải là thành viên EU nhưng tham gia vào thị trường chung của EU.

Đạo luật này cũng quy định rằng không quá 65% nguyên liệu thô chiến lược có thể đến từ một quốc gia thứ ba, nhằm hạn chế sự phụ thuộc của EU vào các nhà cung cấp bên ngoài và giảm rủi ro chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của đất hiếm trong bài phát biểu năm 2022, dự đoán rằng "Lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng hơn dầu khí". Bà lưu ý rằng nhu cầu về những kim loại này sẽ "tăng gấp 5 lần" trong thập kỷ tới.

“Vũ khí” của Trung Quốc

Theo NBC News, mỏ đất hiếm mới ở tổ hợp Fen của Rare Earths Norway có thể góp phần lớn giúp châu Âu phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm. Trung Quốc gần đây đã thể hiện sự sẵn sàng tận dụng lợi thế của mình đối với các kim loại chiến lược.

Nhu cầu đối với đất hiếm và các khoáng sản thiết yếu được dự đoán sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới khi thế giới đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Yttrium, neodymium và 15 loại đất hiếm khác không thực sự hiếm nhưng chúng rất khó chiết xuất và tinh chế. Trung Quốc sản xuất khoảng 60% REE và xử lý 90%, chiếm 98% lượng hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu và 80% của Mỹ. Đây là mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với Washington và Brussels.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát báo cáo về xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm chiến lược. Đây được coi là phản ứng trước những hạn chế của Mỹ đối với chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip, mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nhằm hạn chế những tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ quân sự.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng công bố hạn chế đối với thiết bị dùng để xử lý các nguyên tố đất hiếm và nam châm.

Vào năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 68% khoáng sản đất hiếm của thế giới, được sử dụng cho những thứ như nam châm và pin, và 70% than chì, được sử dụng trong chất bôi trơn, động cơ điện và thậm chí cả lò phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, theo JPMorgan, ưu thế thực sự của Trung Quốc nằm ở khả năng chế biến khoáng sản. Trung Quốc đã xử lý 100% nguồn cung than chì của thế giới vào năm 2022, 90% đất hiếm và 74% coban (một khoáng chất quan trọng khác cho pin).

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/na-uy-phat-hien-mo-dat-hiem-lon-nhat-chau-au-lat-do-su-thong-tri-cua-trung-quoc-d112082.html