Nagasaki - Khát vọng mạnh mẽ về một thế giới hòa bình
Nagasaki vượt qua thảm họa nguyên tử, trở thành biểu tượng hòa bình và hy vọng thế giới không vũ khí hạt nhân, tấm gương kiên cường và ý chí mạnh mẽ.

Một góc yên bình của thành phố Nagasaki ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Nagasaki, một trong hai thành phố trên thế giới bị ném bom nguyên tử vào ngày 9/8/1945, đã phải trải qua những năm tháng đau thương và tàn phá sau thảm họa.
Tuy nhiên, sau 80 năm, thành phố này đã dần phục hồi, trở thành biểu tượng của sự kiên cường và khát vọng hòa bình.
Công viên Hòa bình Nagasaki, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km, là một địa điểm đặc biệt để tưởng nhớ nạn nhân của vụ bom nguyên tử.
Trong công viên có một cột đá đen trơn nhẵn đơn giản, đánh dấu vị trí tâm chấn, nơi quả bom nguyên tử phát nổ. Từ vị trí này, một khu vực có bán kính khoảng 4km đã chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều nơi bị san phẳng hoàn toàn.

Cột đá màu đen nằm ở vị trí được coi là tâm chấn của vụ nổ bom nguyên tử tại Nagasaki. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Cách không xa khu vực tâm chấn là Bức tượng Hòa bình và một đài phun nước.
Bức tượng Hòa bình cao 9,7m do nhà điêu khắc Seibo Kitamura. Đài phun nước như một lời cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử đã chết khi đi tìm kiếm nước uống.
Trong công viên còn có nhiều công trình tưởng niệm khác. Tượng đài người mẹ bế đứa con trên tay đã chết vì thảm họa, dấu tích còn sót lại của một nhà tù đã bị san phẳng trong vụ ném bom. Tất cả đã trở thành chứng tích về sự hủy hoại khủng khiếp của bom nguyên tử.
Một trong những chứng tích nổi tiếng của thảm họa bom nguyên tử là cây long não tại đền Sanno. Ngôi đền này với vị trí gần khu vực tâm chấn gần như bị san phẳng trong vụ ném bom.
Một trong những di tích còn lại của vụ đánh bom hạt nhân là cổng Torii tại đền Sanno, nơi trước kia là điểm khởi đầu cho con đường dẫn đến đền.

Phần còn sót lại của cổng đền Sanno sau vụ ném bom nguyên tử ngày 9/8/1945 tại Nagasaki. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Cổng Torii này, mặc dù đã bị phá hủy một phần bởi vụ nổ, nhưng vẫn đứng vững một cách kỳ diệu với chỉ một cột trụ, trở thành biểu tượng của sự sống sót.
Điều đặc biệt là hai cây long não 500-600 năm tuổi trong khuôn viên đền. Thảm họa bom nguyên tử năm 1945 với sức nóng khủng khiếp từ vụ nổ đã thiêu cháy gần như hoàn toàn hai cây long não này. Vào thời điểm đó, người dân địa phương cho rằng hai cây long não đã chết.
Thế nhưng, thời gian trôi đi, những mầm xanh từ bên trong cây long não đã bật lên. Sau 80 năm, hai cây long não đã tươi tốt trở lại với những tán lá xanh mướt che kín sân đền.
Dấu ấn của thảm họa còn sót lại trên cây là những phần thân cháy đen thành than xen kẽ với màu nâu của thân cây và màu xanh của lá.

Hai cây long não 500-600 năm tuổi trong khuôn viên đền Sanno trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của Nagasaki. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Sức bật diệu kỳ của cây long não đã trở thành biểu tượng của người dân Nagasaki phản ánh ý chí mạnh mẽ vươn lên từ thảm họa.
Theo lời của Thị trưởng Nagasaki, ông Shiro Suzuki, hiện nay thành phố còn khoảng 17.000 hibakusha (nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom hạt nhân).
Ông Suzuki khẳng định để đạt được một thế giới hòa bình và không có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản cần phải hành động mạnh mẽ và ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, một bước đi quan trọng trong việc thực hiện ước mơ của người dân Nagasaki về một thế giới không còn chiến tranh và khủng hoảng hạt nhân.
Ông cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới, bao gồm chính phủ Nhật Bản, phê chuẩn hiệp ước để văn bản này trở thành chuẩn mực quốc tế toàn cầu.
Đối với giới trẻ Nagasaki, họ không chỉ thừa kế ký ức về thảm họa mà còn mang trong mình trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng một tương lai hòa bình.

Đài tưởng niệm những học sinh tại Trường tiểu học Shiroyama đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ngày 9/8/1945 tại Nagasaki. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Em Takada Kenshiro, học sinh lớp 11 và là Đại sứ Hòa bình của học sinh trung học, chia sẻ dù cuộc sống của mỗi người có thể sẽ kết thúc, nhưng sứ mệnh hòa bình sẽ tiếp tục.
“Hòa bình không chỉ là một nhiệm vụ ngắn hạn mà là một hành trình dài suốt đời, và tôi sẽ luôn giữ vững giá trị hòa bình mà tôi học được trong suốt ba năm qua,” Kenshiro nói.
Mặc dù đã trải qua thảm kịch, nhưng người dân Nagasaki không bao giờ từ bỏ ước mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và không có chiến tranh. Họ hy vọng rằng những thế hệ sau này, như Takada Kenshiro, sẽ tiếp nối những nỗ lực này, không chỉ để ghi nhớ nỗi đau trong quá khứ mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình, nơi mà những vũ khí hủy diệt không còn tồn tại.

Một bức tường của nhà thờ Urakami bị đánh sập trong vụ ném bom nguyên tử ngày 9/8/1945 tại Nagasaki. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
80 năm sau thảm họa, Nagasaki không chỉ là một thành phố hồi sinh từ đống tro tàn mà còn là biểu tượng của hy vọng, một thành phố mang trong mình khát vọng mạnh mẽ về một thế giới hòa bình và không có vũ khí hạt nhân.
Dù đã phải đối mặt với sự hủy diệt khủng khiếp, người dân Nagasaki vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai hòa bình và quyết tâm loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Bằng những nỗ lực bền bỉ, người dân Nagasaki kiên trì nhắc nhở thế giới rằng, hòa bình là giá trị lớn lao và cần phải bảo vệ bằng tất cả sức mạnh của con người./.