Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa TP HCM tuyển 5.000 chỉ tiêu
Sáng nay 24-12, Hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã thống nhất các nội dung quan trọng về công tác tuyển sinh năm 2020, bao gồm phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành tuyển sinh.
Theo đó, trường tuyển 5.000 chỉ tiêu năm 2020 với tổ hợp môn xét tuyển không thay đổi.
Phương thức tuyển sinh dự kiến:
-Xét tuyển theo kì thi THPT quốc gia: 50% - 72%
-Xét tuyển theo kì thi đánh giá năng lực ĐHQG: 10% - 50% (năm 2019 là 10% đến 40%)
-Ưu tiên tuyển thẳng theo qui định của ĐHQG: 15% - 25%
-Ưu tiên tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT: khoảng 3%
-Phương thức khác: khoảng 1%.
Điểm đặc biệt của tuyển sinh năm nay là sinh viên có thể tham gia chương trình học tích hợp BS-MS và chương trình tuyển sinh song hành. Với chương trình tích hợp, sinh viên có thể học liên thông đại học-cao học, nhờ đó tiết kiệm thời gian đào tạo và có bằng thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp. Tuyển song hành áp dụng đối với ngành Kỹ thuật hàng không và kỹ thuật tàu thủy, theo đó sinh viên có thể học hai ngành trong thời gian học tập tại trường.
Đối với chương trình chất lượng cao, Trường dự kiến mở thêm 5 chương trình mới:
-Kỹ thuật Hàng không – chương trình Chất lượng cao
- Kỹ thuật Y sinh – chương trình Chất lượng cao
- Logistics & Quản lý Chuỗi cung ứng – chương trình Chất lượng cao
- Kỹ thuật Cơ Điện tử, chuyên ngành Kỹ thuật Robot – chương trình Chất lượng cao
- Khoa học Máy tính – chương trình Chất lượng cao tiếng Nhật
Trong đó, chương trình Chất lượng cao giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; chương trình Chất lượng cao tiếng Nhật giảng dạy bằng Việt và tăng cường tiếng Nhật (một số môn chuyên ngành ở năm thứ Ba và Tư được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật), chuẩn đầu ra tiếng Nhật là JLPT N2.
Đối với Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) còn gọi là chương trình Việt-Pháp, năm nay trường tuyển sinh 7 ngành (theo danh sách). Ngoài ra, chương trình dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật Xây dựng (Kỹ thuật và Quản lý Nước đô thị).
Tại cuộc họp, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho biết, những ngành học mới mở là những ngành chủ lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đô thị thông minh (Smart City). Trong hiện tại và trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn. Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để nhà trường đáp ứng được yêu cầu thay đổi rất nhanh của giáo dục và đào tạo hiện nay. Các ngành học này sẽ được triển khai theo phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước.