Năm 2021, thu ngân sách trung ương hụt khoảng 28 - 29 nghìn tỷ đồng

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 tại phiên họp chiều nay (20-10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, thu ngân sách trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024

Năm 2022, Chính phủ dự toán thu ngân sách nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%. Trong đó, thu nội địa tăng 3,8%, thu tiền sử dụng đất bằng 96% so với thực hiện năm 2021.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.

Về chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành các nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách; công khai việc sử dụng Quỹ vắc xin; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng Covid mới xuất hiện.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị làm rõ kết quả việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, việc thực hiện rà soát các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vẫn còn chậm, chưa mang tính tổng thể, số lượng quỹ còn khá lớn; một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, cũng có quỹ gần như không hoạt động... Đề nghị tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đồng thời, đề nghị rà soát các quỹ có số dư lớn nhưng nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách, đã hết nhiệm vụ chi để điều chuyển về ngân sách Nhà nước nhằm tăng cường nguồn lực cho kích thích, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đối với chi thường xuyên, ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, song đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang và các đại biểu Vũ Ngọc Long, Huỳnh Thành Chung tại điểm cầu Bình Phước

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang và các đại biểu Vũ Ngọc Long, Huỳnh Thành Chung tại điểm cầu Bình Phước

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 còn hạn chế, giải ngân từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Bố trí vốn đầu tư công trong một số trường hợp chưa đúng quy định; còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và tiếp tục phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2020, một số khoản nợ thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương chưa được bố trí thanh toán.

Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy còn một số yếu tố chủ quan, đó là:việc lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch đầu tư công chưa sát với thực tế. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ và giao dự toán chậm so với yêu cầu. Ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt chất lượng chưa cao, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021 còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, chưa có giải pháp khắc phục.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127807/nam-2021-thu-ngan-sach-trung-uong-hut-khoang-28-29-nghin-ty-dong