Năm 2021: Vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được đề cao trên toàn cầu
Năm 2021 đã chứng minh vai trò trung tâm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục được đề cao nhất từ trước đến nay bất chấp các khó khăn, thách thức chưa từng có.
Vai trò kết nối của Việt Nam đối với ASEAN
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, ASEAN có ảnh hưởng mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Kể từ đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN, tham gia tích cực vào các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN.
Trên vai trò là nước ASEAN duy nhất tại HĐBA năm 2021, Việt Nam đã đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và HĐBA/LHQ. Việt Nam đã tổ chức Phiên thảo luận mở đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa ASEAN và LHQ khi lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA (tháng 1/2020) và Phiên thảo luận mở về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Thêm vào đó, Việt Nam đã thúc đẩy HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch về nội dung này trong lần thứ hai vào tháng 4/2021, thể hiện sự chủ động đề xuất để có 12 lượt phát biểu chung với Indonesia trong năm 2020 (hai nước đại diện cho ASEAN tại HĐBA) và đề cao vai trò của ASEAN trong thảo luận và văn kiện của HĐBA về vấn đề Myanmar. Đây được xem là hai phiên quan trọng đánh dấu vai trò kết nối của Việt Nam đưa ASEAN đến Liên hợp quốc và ngược lại.
Trong bài phát biểu nhấn mạnh 2 điểm quan trọng ASEAN cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất mong muốn ASEAN sẽ chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 đồng thời đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới.
Những đề xuất của Việt Nam liên quan tới phục hồi bền vững nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước tại các hội nghị. Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị.
Nhắc đến kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN, Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam đã tham gia trao đổi, chia sẻ trên tất cả các nội dung của các hội nghị. Nhiều ý kiến của Việt Nam được các nước ghi nhận, ủng hộ và hướng ứng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã đóng góp hết sức trách nhiệm vào việc xây dựng khoảng 100 văn kiện đệ trình lên các nhà Lãnh đạo thông qua, ghi nhận. Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị. Nhìn chung, bên cạnh những thành công chung của các hội nghị, đóng góp của Việt Nam tiếp tục được duy trì, thúc đẩy, qua đó, hình ảnh và vai trò của Việt Nam tiếp tục được khẳng định.
Theo báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 công bố trong Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Đánh giá của Brand Finance cho biết, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam luôn chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong các cuộc họp hội nghị.
Vai trò thăng hạng của ASEAN trên trường quốc tế
Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN tiếp tục duy trì vững chắc đà xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Trước nguy cơ hoãn hủy các hội nghị, cuộc họp do kết nối, hàng không bị gián đoạn, ASEAN đã linh hoạt và kịp thời điều chỉnh phương thức hoạt động, chuyển các hội nghị, cuộc họp sang trực tuyến.
Các hoạt động hội nghị giữa ASEAN với các bên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chẳng hạn như hội nghị ASEAN – Trung Quốc, các Lãnh đạo hai bên đã chính thức công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc, đồng thời thống nhất về nội hàm và những định hướng thúc đẩy mối quan hệ này để tương xứng với tầm vóc chiến lược và toàn diện trong thời gian tới. Đây là kết quả mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của mối quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN, với nhiều đề xuất biện pháp cụ thể, nhằm kiểm soát đại dịch và thúc đẩy phục hồi hướng tới phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục hỗ trợ ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng 2025. Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc: "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững".
Hay tại hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định cam kết coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai của khu vực có hơn 1 tỷ dân, cũng như đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực, trật tự khu vực dựa trên luật lệ và các giá trị và nguyên tắc nêu trong Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Kết thúc Hội nghị, hai bên thông qua Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ về Phát triển Số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số trong ASEAN.
Đặc biệt ở hội nghị ASEAN và G7, vai trò của ASEAN càng thăng hạng hơn khi thể hiện tiếng nói thúc đẩy quan hệ đa phương. Bộ trưởng các nước đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động này, mở ra cơ hội mới cho hai bên tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp ứng phó với các vấn đề và thách thức khu vực và toàn cầu. Các nước G7 khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh coi trọng quan hệ với ASEAN và cam kết sẽ tham gia đóng góp tích cực cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Nhiều nước bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác phù hợp với các khuôn khổ được đề cập tới trong Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhấn mạnh quan hệ đối tác ASEAN-G7 trong triển khai các cam kết tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị G7 cần đi đầu trong cắt giảm khí thải, tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN nhằm thực hiện các cam kết giảm mức phát thải ròng bằng không thông qua đầu tư tài chính xanh và công nghệ sạch, đồng thời hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Rất nhiều các vấn đề nóng trên thế giới đã thường xuyên được trao đổi và tìm hướng giải quyết trong hội nghị.
Trên tất cả, các hoạt động hội nghị giữa ASEAN với các bên đã tiếp tục khẳng định ảnh hưởng mở rộng của ASEAN trên trường quốc tế, góp tiếng nói chung để giải quyết các thách thức trên toàn cầu. Điều đó càng khẳng định vai trò thăng hạng của ASEAN trên trường quốc tế ngày càng lớn.
Có thể nói, năm 2021 đã chứng minh vai trò ASEAN được đề cao nhất từ trước đến nay. Một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được đề cao trên toàn cầu./.