Năm 2022-2023, quy mô SV ĐH chính quy ĐH Giao thông vận tải tăng 46,6%
Năm học 2022-2023, quy mô sinh viên đại học chính quy Trường ĐH Giao thông vận tải tăng 46,60% so với năm học 2021-2022 (tổng 17.308 sinh viên ĐH chính quy).
Thực hiện Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/ 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Đại học Giao thông vận tải công khai cam kết chất lượng đào tạo năm học 2022-2023.
Theo đó, năm học 2022-2023, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh và đào tạo 31 mã ngành trình độ đại học (tương đương số lượng mã ngành tuyển sinh trình độ đại học năm 2021-2022).
Các ngành tuyển sinh nổi bật có số lượng trên 300 chỉ tiêu như: Kỹ thuật xây dựng 305 chỉ tiêu, Công nghệ thông tin 345 chỉ tiêu, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 575 chỉ tiêu. Song, cũng có ngành, trường có 40 chỉ tiêu như: Quản lý xây dựng (Chương trình chất lượng cao Quản lý xây dựng Việt - Anh), Kỹ thuật điện.
Quy mô sinh viên đại học chính quy năm học 2022-2023 tăng 46,60% so với năm 2021-2022
Về quy mô sinh viên, năm học 2022-2023, Trường Đại học Giao thông vận tải có tổng số 25.374 sinh viên đào tạo đại học chính quy, tăng 46,60% so với năm học 2021-2022 (tổng 17.308 sinh viên đại học chính quy).
Quy mô sinh viên đại học vừa làm vừa học năm học 2022-2023 là 1.088, tăng gấp 5 lần so với năm học 2021-2022 (tổng 185 sinh viên).
Năm học 2022-2023, trường không đào tạo liên thông (năm học 2021-2022, quy mô sinh viên đào tạo liên thông là 989).
Với quy mô đào tạo sau đại học, năm học 2022-2023, trường tổng có 907 học viên thạc sĩ, giảm 14,5 % so với năm 2021-2022 (tổng 1.273). Khối ngành V có quy mô học viên thạc sĩ nhiều nhất. Cũng trong năm học 2022-2023, trường có 120 nghiên cứu sinh, giảm 3,22% so với năm học 2021-2022 (tổng 124 nghiên cứu sinh).
Xét về quy mô sinh viên theo khối ngành, hai năm học gần đây, quy mô sinh viên đối với khối ngành V luôn nhiều nhất trong tổng số quy mô sinh viên toàn trường. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm học 2022-2023, khối ngành V có quy mô sinh viên chiếm 77,63% tổng quy mô sinh viên. Khối ngành III có quy mô sinh viên ít nhất (chiếm 9,88% tổng quy mô sinh viên). Đáng chú ý, cũng trong 2 năm học vừa qua, khối ngành III của Trường Đại học Giao thông vận tải không đào tạo tiến sĩ, chỉ đào tạo tiến sĩ khối ngành V và VII (trong đó, đào tạo tiến sĩ nhiều hơn ở khối ngành V).
Cũng căn cứ theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, trường có 2.122 sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm đạt 95.9%. Trước đó, năm học 2021-2022, trường có 2.458 sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm là 91.75%.
Như vậy, trong năm học 2022-2023, dù số lượng sinh viên tốt nghiệp ít hơn năm học 2021-2022 nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm ra trường cao hơn năm học 2021-2022.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tính theo công thức: ((Số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm + số lượng sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao)/tổng số sinh viên tốt nghiệp được khảo sát) x 100
Không có đơn đặt hàng của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp
Về công khai thông tin đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Giao thông vận tải, năm học 2022-2023 không đào tạo theo đơn đặt hàng.
Trước đó, so với năm học 2021-2022, trường có tổng 23 sinh viên trình độ đại học chính quy của các đơn vị đặt hàng như: tỉnh Điện Biên 8 sinh viên, Hà Giang 5 sinh viên, Hòa Bình 2 sinh viên, Lai Châu 3 sinh viên, Lạng Sơn 1 sinh viên, Lào Cai 4 sinh viên. Trong đó, tỉnh Điện Biên đặt hàng nhiều nhất (8 sinh viên), Lạng Sơn ít nhất (1 sinh viên).
Cũng trong năm học 2022-2023, Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức 15 hội nghị, hội thảo khoa học; 42 công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử, tư vấn (kinh phí thực hiện dao động từ 100-2.600 triệu đồng). Có 5 chương trình đào tạo được công nhận cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.
Năm học trước, trường tổ chức 10 hội nghị, hội thảo khoa học; có 27 công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử, tư vấn (kinh phí thực hiện dao động từ 300-2.600 triệu đồng). Có 3 chương trình đào tạo được công nhận cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.
Năm học 2022-2023, năm học 2021-2022 và năm học 2020-2021, Trường Đại học Giao thông vận tải đều có tổng diện tích quản lý sử dụng là 216.940m2. Tuy nhiên, tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học năm học 2022-2023 là 74.436,78m2, con số này giảm 3.954m2 so với năm học 2021-2022 (tổng 78.390 m2).
Dựa vào bảng trên có thể thấy, qua 3 năm học liền kề, diện tích đất/sinh viên tăng, nhưng diện tích sàn/sinh viên giảm. Cụ thể, diện tích đất/sinh viên mỗi năm tăng trung bình 0,21m2/sinh viên (tăng 2,45%); diện tích sàn/sinh viên mỗi năm giảm trung bình 0,27m2/sinh viên (tăng 7,55%).
Nếu chiếu theo Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ở Tiêu chí 3.1 quy định: "Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có)", thì diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải khó đạt theo Dự thảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia các khối ngành như sau:
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật.
Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y.
Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng.