Năm 2022, chỉ số lạm phát tại Việt Nam có thể ghi nhận hơn 4%

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1,1 - 1,3 điểm %, lạm phát (CPI) tăng 0,8 - 1 điểm % ghi nhận hơn 4% trong năm 2022.

Trước những biến động từ xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiên liệu thế giới tăng mạnh với giá dầu thô vọt lên gần 140 USD/thùng, viễn cảnh dầu thô vượt đỉnh năm 2008 lên 150 USD/thùng đã cònkhông xa.

Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều mặt hàng Việt Nam đang phụ thuộc nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, kể từ cuối tháng 2 đến nay, các mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, dầu, gas, thép, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu phân bón… đang đồng loạt tăng giá với mức cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các đơn vị logistics cũng báo giá vận tải trong nước đã tăng mạnh.

Năm 2022 chỉ số lạm phát tại Việt Nam có thể ghi nhận hơn 4%. Ảnh: Dương Lâm

Hiện giá xăng trong nước đã chạm mốc 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng liên tục có sự biến động, có lúc chạm đỉnh trên 70 triệu/lượng khiến nhiều người lo sợ về bối cảnh lạm phát.

“Năm 2021, lạm phát toàn cầu tăng mạnh lên 3,3%, năm 2022 được dự báo tăng lên 4% nhưng theo chúng tôi, có thể tăng thêm 0,5 điểm % tức là đạt 4,5%. Lạm phát chủ yếu do các loại hàng hóa đều tăng như dầu khí, nhất là phân bón. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam bởi 86% thành phần gia đình tại Việt Nam là tam nông, khi giá phân bón tăng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất của người dân”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, dù có rất nhiều động lực nhưng trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức bao gồm: Rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga - Ukraine); giá cả, lạm phát còn tăng mạnh; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp; dịch bệnh còn phức tạp, phòng chống dịch còn thiếu nhất quán; tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế khác nhau nên phục hồi khác nhau; sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát tăng; rủi ro nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng (trong tầm kiểm soát); doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự; cơ cấu DNNN còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Đặc biệt, Việt Nam cũng không nằm ngoài những thách thức này.

Trước bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, dòng tiền đầu tư sẽ ngày càng thận trọng trong việc tìm bến đỗ. Với thực trạng lạm phát tăng, giá vàng lập đỉnh, chứng khoán, tiền ảo nhiều biến động, chỉ còn bất động sản là kênh đầu tư “vua” giúp trú ẩn an toàn.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nào, bất động sản vẫn được lựa chọn để đầu tư. Thậm chí, nhìn về dài hạn thì lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Bởi trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, giá bất động sản không những giảm như những ngành kinh tế khác, mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên cao.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-2022-chi-so-lam-phat-tai-viet-nam-co-the-ghi-nhan-hon-4-post186990.html