Năm 2023, Vosco lên kế hoạch lợi nhuận giảm 67,36%, về 197,7 tỷ đồng
Sau năm 2022 tăng trưởng mạnh, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã VOS – sàn HoSE) lên kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2023 và không trả cổ tức năm 2022 để đầu tư đội tàu.
Kế hoạch đi lùi trong năm 2023
Vosco vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Hải Phòng.
Trong năm 2023, Vosco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.597 tỷ đồng, giảm 37,72% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 197,7 tỷ đồng, giảm 67,36% so với thực hiện trong năm 2022.
Được biết, trong năm 2022, Vosco ghi nhận doanh thu 2.564 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 606 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết dự kiến sẽ thanh lý tàu Neptune Star, trọng tải 25.396 Dwt, đóng năm 1996 vào cuối năm 2023. Thêm nữa, Công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tìm kiếm, thuê thêm tàu về khai thác.
Được biết, Công ty đang thuê bareboat 2 tàu dầu sảm phẩm cỡ 50.000 dwt và T/C 1 tàu container cỡ 560 teus.
Vosco chia sẻ, kế hoạch kinh doanh giảm mạnh dựa trên giả định thị trường vận tải sẽ vượt qua được những giai đoạn khó khăn đầu năm và duy trì được sự ổn định trong thời gian còn lại.
Trong đó, sau gần 2 năm với nhiều thời điểm tăng trưởng nóng, thị trường tàu hàng kho bước vào năm 2023 với rất nhiều khó khăn và áp lực cho các chủ tàu. Đến giữa tháng 2/2023, chỉ số BDI đã giảm xuống dưới mức 600 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Mặc dù đã có một số động thái tích cực từ phía thị trường Ấn Độ cả chiều nhập khẩu than và xuất khẩu quặng sắt, tuy nhiên chưa đủ để tạo nên sự hồi phục cho thị trường.
Thị trường Trung Quốc vẫn đóng vai trò định hướng thị trường vận tải trong khu vực và hiện nay nhu cầu nhập các nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp nặng như than, khoáng sản, quặng đã sụt giảm rất nhiều do sự sụt giảm về nhu cầu sản phẩm đầu ra.
Về định hướng kinh doanh, đối với khối tàu hàng khô, Vosco chủ động tham gia các hợp đồng vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu và nội địa cho các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước như than, xi măng, clinker, sắt thép… và các doanh nghiệp nước ngoài.
Đối với tàu dầu sản phẩm, Công ty tiếp tục tập trung vào phân khúc cỡ tàu MRR có trọng tải khoảng 50.000 DWT với dung tích chở hàng từ 53.000 CBM trở lên trong giai đoạn 2021-2025 và thị trường chủ đạo là khu vực châu Á Thái Bình Dương nhưng cũng luôn sẵn sàng khai thác ở các khu vực châu Âu, Mỹ…
Đối với khối tàu container, tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường cung cấp dịch vụ logistics tại hai đầu phía Bắc và phía Nam để tăng sản lượng ổn định xếp tàu, giành thêm thị phần trên thị trường.
Lợi nhuận dự kiến đạt đỉnh năm 2024, sau đó suy giảm
Nếu nhìn rộng ra, giai đoạn 2023-2027, Vosco đặt kế hoạch lợi nhuận đạt đỉnh năm 2024 là 242,9 tỷ đồng, sau đó giảm dần theo thời gian và năm 2017 còn 188,9 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2023-2028, Vosco có kế hoạch thanh lý một số tàu tuổi cao, đã hết khấu hao, khai thác không hiệu quả hoặc không phù hợp với các yêu cầu khai thác. Cụ thể, cuối năm 2023 sẽ bán tàu hàng rời Neptune Star; năm 2024 dự kiến bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh do đã 20 tuổi, là tuổi cao và khó khai thác với đặc thù của tàu dầu.
Ngược lại, giai 2023-2028, Công ty tập trung vào việc thuê tàu bên ngoài theo hình thức thuê bareboat các tàu đã qua sử dụng và nghiên cứu, xem xét việc đầu tư tàu đã qua sử dụng hoặc đóng mới khi thị trường thuận lợi, cơ chế đầu tư tàu cởi mở hơn và phù hợp với tài chính.
Dự kiến đến năm 2027, Vosco sẽ khai thác 23 tàu, với 16 tàu hàng khô (9 tàu thuê ngoài); 4 tàu dầu sản phẩm thuê ngoài; 3 tàu container (1 tàu thuê ngoài), tổng trọng tải khoảng 800.000 dwt.
Quay trở lại các tờ trình đại hội, năm 2022, Công ty dự kiến không trả cổ tức cho cổ đông, lý giải việc không trả cổ tức, Công ty cho biết để nguồn lực đầu tư phát triển đội tàu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu VOS giảm 550 đồng về 9.800 đồng/cổ phiếu.