Năm 2024, làm thêm giờ của người lao động được quy định ra sao?
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Làm thêm giờ thế nào là đúng quy định?
Theo báo Chính Phủ, vừa qua, giám đốc công ty của ông Nguyễn Văn Phúc (Tây Ninh) có ý kiến cho công nhân làm thêm 1h35 phút vào mỗi ngày (ngoài giờ hành chính), nhưng không tính tăng ca bù và sẽ được nghỉ vào thứ 7.
Trường hợp thứ 7 có hàng gấp phải đi làm thì chỉ tính nhân 1,5 lần không tính đi làm thứ 7 như ngày nghỉ. Ông Phúc hỏi, cách tính như vậy có đúng quy định của pháp luật không?
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 105, Khoản 2 Điều 107 và Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
"Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
… Điều 107. Làm thêm giờ
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.
… Điều 111. Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày".
Như vậy, pháp luật lao động quy định thời giờ làm việc bình thường là không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần, bảo đảm mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục (1 ngày).
Ngoài ra, nếu có nhu cầu làm thêm giờ công ty sẽ thỏa thuận và được sự đồng ý của người lao động thì được tổ chức làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm.
Làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm
Thông tin trên Người Lao Động khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:
- Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;
- Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Văn bản thông báo theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trường hợp không bị giới hạn về số giờ làm thêm, tăng ca:
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định nêu trên và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Trúc Chi (t/h)