Năm 2024, ngành Tòa án giải quyết, xét xử các vụ việc vượt tỉ lệ Quốc hội giao
Năm 2024, Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, giải quyết được 585.932 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%. Đáng chú ý, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận đã được xử lý nghiêm.
Theo báo cáo công tác của Tòa án nhân dân (TAND) năm 2024, Tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng...
Các Tòa án vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025".
Ngay từ đầu năm 2024, Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các TAND, trong đó yêu cầu các Tòa án tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Trên cơ sở đó, các Tòa án đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện khẩn trương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác trong Nghị quyết của Quốc hội và của TAND tối cao đề ra.
Về kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc, Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, giải quyết được 585.932 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%.
So với năm 2023, số vụ việc đã thụ lý tăng 7,73%; đã giải quyết tăng 8,4%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về các vụ án hình sự, Tòa án các cấp đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 98,18% về số vụ và 96,82% về số bị cáo, cao hơn năm trước 0,18% về số vụ và 0,47% về số bị cáo, vượt 10,18% so với Nghị quyết Quốc hội giao.
Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội.
Đáng chú ý, đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước và có sự phân hóa các đối tượng trong vụ án, đảm bảo vừa xử lý nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục, đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2024, TAND tối cao đã hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và Hồ sơ Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành 4 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật; Chánh án TAND tối cao đã công bố thêm 9 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 72 án lệ.
Cũng trong năm 2024, hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 20.302 vụ việc, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý…
Từ kết quả đạt được, năm 2025, hệ thống Tòa án sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật; quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó và hiệu quả" trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc theo quy định; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội./.