Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người được áp dụng biện pháp hỗ trợ, bảo vệ

Theo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Với 454/455 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), sáng 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Luật quy định quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Cụ thể, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người; Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ; Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật; Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ và quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ; Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; Thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người; Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng, Luật quy định rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đáng chú ý, Luật quy định, Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-dang-trong-qua-trinh-xac-dinh-la-nan-nhan-mua-ban-nguoi-duoc-ap-dung-bien-phap-ho-tro-bao-ve-461135.html