Năm 2024, Nghệ An có 246 công chức, viên chức bị kỷ luật
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, có một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ chưa tốt, có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, thậm chí vi phạm pháp luật. Năm 2024, tỉnh có 132 viên chức, 114 công chức bị kỷ luật.
Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 31, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại buổi trả lời chất vấn, cử tri đặt câu hỏi liên quan đến các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, người dân và doanh nghiệp còn phải trả những chi phí không chính thức và việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ sai phạm ở tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn. Ảnh: H.Lam
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, có nhiều chỉ số đánh giá cải cách hành chính, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)...
Trong đó, năm 2024, Nghệ An đứng thứ 6 trên 63 tỉnh thành (thời điểm chưa sáp nhập) về chỉ số SIPAS.
Đối với chỉ số PCI, một số chỉ số thành phần của tỉnh bị đánh giá rất thấp, như: Tính minh bạch xếp hạng 59/63 tỉnh, thành; Chi phí không chính thức xếp hạng 50/63; Chi phí thời gian xếp thứ 59/63; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự xếp thứ 56/63...
Trong đó, về khoản chi phí không chính thức, theo ông Hưng, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, cơ bản cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn thực thi công vụ tốt.
"Bên cạnh đó, qua đánh giá, khảo sát, qua các kênh khác cho thấy có một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ chưa tốt, có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, thậm chí là vi phạm pháp luật", ông Hưng chỉ ra.
Cũng theo ông Hưng, năm 2024, tỉnh Nghệ An mất 1,5 điểm trong đánh giá cải cách hành chính vì lý do có công chức ở Cửa Lò, Quỳ Hợp bị bắt. Năm 2024 tỉnh có 132 viên chức, 114 công chức bị kỷ luật theo rất nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, một đánh giá của người dân, doanh nghiệp mà ông cho là đúng, đó là ở Nghệ An cấp trên không bao che cho sai phạm của cấp dưới.
"Vừa rồi chúng ta có điều chuyển vị trí công tác một số cán bộ, công chức bị người dân, doanh nghiệp đánh giá chưa tốt", ông Hưng nói thêm.
Gỡ vướng cho chính quyền cấp xã
Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp, đại biểu Lê Thị Thêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Đồng (Nghệ An) cho biết, thời điểm này địa phương đang thiếu 16 công chức, trong khi chức năng, nhiệm vụ được giao rất nhiều. Đại biểu đề nghị tỉnh rà soát, điều động, bố trí cán bộ tại những xã thừa để chuyển sang các xã đang thiếu.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, có tình trạng thừa thiếu cục bộ công chức, cán bộ tại 130 xã, phường trên địa bàn tỉnh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Sở sẽ rà soát đội ngũ cán bộ cấp xã để bố trí hợp lý.